Bất động sản nghỉ dưỡng: Nhà đầu tư đang trở lại

Cập nhật 12/06/2014 13:31

Giá BĐS du lịch tại các khu vực như Hồng Kông, Singapore, Tokyo liên tục tăng đã thúc đẩy các nhà đầu tư đi tìm kiếm các cơ hội mới từ các nước ngoài khu vực này, trong đó có Việt Nam. Những nhà đầu tư chân chính đang dần lộ diện, đặc biệt là các nhà đầu tư quan tâm tìm kiếm những khách sạn hoặc các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao tại các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á.


Thách thức trong ngắn hạn

Số liệu thống kê tại Hội thảo “Đầu tư và quản lý ngành khách sạn tại Việt Nam - Bài học từ các nước Châu Á” mới đây cho thấy nhu cầu nội địa của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong vòng ba năm trở lại đây, trung bình 7 - 8% mỗi năm. Nhu cầu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng mặc dù ở mức chậm trong 3 năm qua (19,1% trong năm 2011, 13,9% trong năm 2012 và 11% trong năm 2013). Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2014 đã cho thấy sự hồi phục tích cực với mức tăng hơn 26%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển hướng quan tâm của khách du lịch đến với Việt Nam là do tình hình chính trị bất ổn ở Thái Lan.

Ông Thân Thanh Vũ - Phó chủ tịch Hội BĐS Du lịch cho rằng: BĐS du lịch chưa thể có sự phát triển bùng nổ hoặc đột biến trong thời gian vài ba năm tới. Hệ thống cơ sở hạ tầng một số khu vực được đầu tư như sân bay ở Phú Quốc nhưng chưa đủ. Dự án du thuyền ở Vũng Rô (Phú Yên) phương tiện và đường đi chưa thuận lợi. Khách du lịch chủ yếu từ TP.HCM và Hà Nội đến Phú Yên là chủ yếu nhưng đi đến đây mất rất nhiều thời gian. Thủ tục và thời gian xin visa đối với khách nước ngoài là vấn đề cần cân nhắc. Khách đến Việt Nam 3 - 5 ngày nhưng phải xin visa mất 30 ngày. Một thách thức lớn cần nêu ra là các khu resort nghỉ dưỡng thường nằm ở nơi yên tĩnh, xa trung tâm nên nhân sự là điều đáng quan tâm. Tâm lý của người Việt Nam chưa coi phục vụ là ngành dịch vụ quan trọng. Những người có trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng làm việc tốt thường sẽ làm quản lý hoặc các khách sạn trung tâm chứ ở địa phương tuyển người rất khó. Trong khi yêu cầu tối thiểu là mọi bộ phận phục vụ đều phải biết ngoại ngữ.

Một hạn chế khác là nhà nước chưa cho cấp sổ BĐS du lịch, chủ yếu là hình thức Vila Hotel mà chưa được sở hữu lâu dài nếu mua. Chủ đầu tư gánh tất cả chi phí đầu tư mà chỉ thu tiền lẻ từ khách lẻ cho thuê thì lợi nhuận không hấp dẫn. Nếu được cấp sổ thì các nhà đầu tư thứ cấp sẽ mua căn hộ, biệt thự như hình thức sở hữu, đầu tư, cho thuê lại có lợi ích tốt thì sẽ thuyết phục nhà đầu tư hơn. Vốn cho BĐS du lịch thường vốn lớn nhưng hiện chưa có sự hỗ trợ nào từ nhà nước dành riêng cho phát triển phân khúc này.

Hoạt động kinh doanh tốt - Đối tác ngoại quan tâm

Nhìn chung, tỷ lệ lấp đầy ở các khách sạn Việt Nam đang cải thiện hơn trong ba năm gần đây. Tỷ lệ lấp đầy ở các khách sạn tại TP.HCM và Hà Nội đã tiến gần hơn đến tỷ lệ lấp đầy ở các TP lớn khác như Jakarta và Kuala Lumpur. Tuy nhiên, dù nguồn cung tương lai tại Hà Nội và TP.HCM dự kiến sẽ tăng trong 3 năm tới - tổng mức tăng khoảng 8% - con số này vẫn thấp hơn mức tăng nguồn cung tương lai tại các thị trường Kuala Lumpur (tăng 20%) và Jakarta (tăng 40%). Điểm đến nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng đã cho thấy tình hình kinh doanh tương đối tốt trong vài năm trở lại đây.

Ông Neil MacGregor - đại diện Savills Việt Nam khẳng định: “Việt Nam là điểm đến quan trọng cho việc đầu tư BĐS tại khu vực Đông Nam Á, thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và các nơi khác. Lựa chọn đầu tư của Savills chủ yếu là phân khúc khách sạn, các tòa nhà văn phòng đang hoạt động và những dự án phát triển BĐS thuộc phân khúc “hẹp” phục vụ một số đối tượng khách hàng đặc biệt. Một số nhà đầu tư hiện đang tập trung vào các dự án phát triển nhà ở dài hạn trên quy mô lớn hơn sau khi mức giá được cho là đã chạm đáy”.

“Có thể thấy được triển vọng thị trường trong dài hạn. Chất lượng của các khách sạn và cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể trong vài năm trở lại đây. Đây là nguyên nhân và sẽ tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn đến một thị trường du lịch ổn định và bền vững hơn. Tình hình kinh doanh khách sạn dự kiến sẽ cải thiện trong trung hạn và các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng bị thu hút bởi các cơ hội đầu tư và đang quay lại với Việt Nam", ông Robert McIntosh - Giám đốc Điều hành, CBRE Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng