Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 năm trở lại đây không có sự tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, theo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2015 của Grant Thornton Việt Nam, năm 2014, công suất thuê phòng bình quân sụt giảm 2% khiến lợi nhuận và việc sử dụng phòng giảm so với 2013. Song, ở nhiều địa phương có tiềm năng về du lịch, các dự án về nghỉ dưỡng, khách sạn vẫn bắt đầu được triển khai trở lại.
Trả lời phỏng vấn Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam, cho rằng, sự sụt giảm này của ngành du lịch chỉ mang tính tạm thời.
Bởi hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vốn vào bất động sản (BĐS), ngoài nhà ở thì BĐS nghỉ dưỡng là hạng mục khiến họ quan tâm vì họ thấy Việt Nam có tiềm năng, với quá nhiều thắng cảnh đẹp như khu vực Hội An, Cát Bà, Phú Quốc, Nha Trang... là điều kiện để phát triển du lịch và thu hút khách quốc tế.
Vấn đề của Việt Nam hiện nay chỉ là nâng cấp dịch vụ, cải thiện sản phẩm du lịch và hạ tầng kết nối.
Tuy nhiên, một doanh nhân trở về từ khu vực Đông Âu, đang có ý định phát triển khu nghỉ dưỡng (resort) 5 sao ở Nha Trang (Khánh Hòa) chia sẻ với chúng tôi rằng: "Bạn có bao giờ thấy ai trở thành tỷ phú nhờ kinh doanh resort, nhưng tại sao các tỷ phú trên thế giới đều sở hữu hoặc muốn sở hữu du thuyền, resort, nhà hàng siêu sang?".
Theo vị doanh nhân này, câu chuyện phát triển các BĐS nghỉ dưỡng cao cấp không chỉ đơn thuần là bài toán lợi nhuận từ kinh doanh phòng mà nó còn tạo dựng thương hiệu, ở khía cạnh nào đó là "nhân hiệu" lẫn tiếng vang cho doanh nghiệp để thực hiện một mảng kinh doanh khác lớn hơn, tiềm năng hơn.
Ngoài ra, việc kinh doanh từ quỹ đất để phát triển dự án cũng là "miếng bánh ngon" cho nhiều doanh nghiệp nội.
Nếu đã có quỹ đất đẹp, giá trị đầu tư ban đầu thấp thì đây là giai đoạn mà họ có thể thực hiện M&A dự án, hoặc cổ phần công ty dự án, cùng đối tác phát triển dự án, sau đó đưa vào vận hành. Như vậy, bên sở hữu quỹ đất đã kiếm được hai lần lợi tức.
Hơn nữa, giai đoạn này, nhiều nhà phát triển dự án tiến hành thay đổi thiết kế chung của dự án, ưu tiên phát triển biệt thự nghỉ dưỡng - hạng mục mà cách đây 3 năm, họ "bỏ của chạy lấy người".
Họ đang đón đầu làn sóng người nước ngoài mua và sở hữu căn nhà thứ hai ở các thành phố du lịch, nhất là doanh nhân đang sống và làm việc tại Việt Nam, khi Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) có thông tư hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.
Bởi, trên thực tế, đây mới là hạng mục tiềm năng, thời gian phát triển ngắn nhưng lợi nhuận lớn, chi phí đầu tư thấp hơn là đầu tư một khu khách sạn 5 sao bên trong dự án nghỉ dưỡng.
DiaOcOnline.vn - Theo DNSG