Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, chỉ nhà ở xã hội và giao dịch của người dân không có mục đích kinh doanh bất động sản mới được miễn qua sàn.
* Thứ trưởng nghĩ sao trước một thực tế sàn bất động sản ra đời đã lâu nhưng nhiều người dân vẫn chưa thu được nhiều thông tin hữu ích từ đây?
- Trước đây, người dân, thậm chí các quan chức muốn mua bất động sản rất khó. Đa phần phải qua nhiều mối quan hệ. Sàn ra đời giúp cho doanh nghiệp có nơi để bày bán sản phẩm và khách hàng tiếp cận được dịch vụ bất động sản dễ dàng hơn. Mô hình, trình độ kinh doanh, tư duy của doanh nghiệp tốt có thể thúc đẩy các sàn phát triển. Tôi cho rằng, nếu không qua sàn tính rủi ro sẽ rất cao.
Sàn bất động sản là mô hình mới, nhiều người còn chưa quen. Tuy nhiên, càng về sau, người dân càng ý thức được phải tự bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc mua bán qua sàn. Bởi qua sàn mới được cấp giấy sở hữu nhà.
* Trong quá trình giao dịch nhiều lần giữa các nhà đầu tư thứ cấp, những sản phẩm đã qua sàn 1 lần có phải giao dịch qua sàn nữa không, thưa thứ trưởng?
- Luật Kinh doanh bất động sản quy định rõ, các tổ chức kinh doanh bất động sản bắt buộc phải giao dịch qua sàn còn người dân đã có nhà nhưng muốn bán để chuyển đi chỗ khác không bắt buộc phải qua sàn. Đối với các nhà đầu tư thứ cấp và nhà đầu tư bất động sản như chia lô để đem bán với mục đích kinh doanh, trong quá trình mua đi bán lại nhiều lần thì giao dịch từ lần thứ 2 cũng bắt buộc phải qua sàn.
* Doanh nghiệp không giao dịch qua sàn sẽ bị xử phạt. Vậy sau khi xử phạt, bất động sản đó có được coi như thỏa thuận xong hay buộc phải qua sàn lại?
- Các giao dịch bị xử phạt có nghĩa là vi phạm quy định của luật pháp. Phạt xong, các hàng hóa bất động sản này sẽ coi như sản phẩm mới, và mọi giao dịch phải qua sàn. Tuy nhiên, luật đưa ra để ngăn ngừa vi phạm chứ không tập trung vào khâu xử phạt. Làm sao để người dân tự ý thức không vi phạm là điều quan trọng và là điều luật pháp hướng tới.
* Chủ đầu tư muốn bán ưu đãi giảm giá cho nhân viên thì các giao dịch qua sàn sẽ thế nào thưa Thứ trưởng?
- Đây là một câu hỏi thú vị. Việc này không chỉ liên quan đến luật kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng đến cả thuế. Nếu doanh nghiệp bán giá ưu đãi cho nhân viên cũng có nghĩa lợi nhuận của công ty sẽ bị giảm. Lợi nhuận công ty giảm tức là thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp bị giảm sút. Về góc độ tài chính, điều này không được. Tất nhiên, doanh nghiệp có quyền ưu đãi, trợ cấp cho nhân viên nhưng phải bằng nguồn hợp pháp của công ty, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Một công ty không thể báo cáo với cơ quan thuế, tôi chi 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng, 3 tỷ đồng để tôi hỗ trợ cho công nhân viên mua nhà, sau đó lại dùng số tiền này hạch toán vào chi phí.
* Các giao dịch bất động sản đều phải qua sàn. Đối với nhà xã hội có phải qua sàn không thưa ông?
- Quy định qua sàn chỉ áp dụng cho nhà ở thương mại. Nhà xã hội được hưởng ưu đãi như miễn thuế, tín dụng ưu đãi… để tạo cơ hội cho những người thu nhập thấp có nhà để ở. Đối tượng được thuê mua nhà xã hội có tiêu chí nhất định, không phải ai cũng mua được. Bởi vậy, các loại nhà xã hội sẽ không phải giao dịch qua sàn.
* Nhiều doanh nghiệp tự quảng cáo sàn đủ tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng nhưng cán bộ nhân viên lại không đạt “chuẩn”?
- Đây cũng là nỗi lo hàng đầu của các sàn. Bất động sản cần chuyên môn cao nhưng các chứng chỉ đào tạo nhân viên mới chỉ dừng ở mức độ nhất định. Chương trình đào tạo chỉ có 3 tuần. Nếu giao dịch không “chuẩn” sẽ dễ xảy ra tranh chấp. Mà tranh chấp về bất động sản rất phức tạp. Chính vì vậy chuyên môn của đội ngũ nhân viên ở sàn phải là vấn đề được đầu tư đến nơi đến chốn và quan tâm hàng đầu. Cần phải đào tạo, cập nhật, kiểm tra liên tục. Ngoài chuyên môn, vấn đề đạo đức, tư cách cũng cần được quan tâm.
Ở nước ngoài, cán bộ sàn phải trả lời 150 câu hỏi trong 3 tiếng, đạt 80% câu đúng mới được cấp chứng chỉ. Cứ 1 năm kiểm tra 1 lần. Sàn trong nước quy mô chưa lớn nên Bộ Xây dựng đang xem xét sẽ quy định thời hạn các chứng chỉ, có thể tối đa chỉ được 3 năm, hoặc ngắn hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress