Theo các chuyên gia trong ngành bất động sản (BĐS), việc nhà đầu tư BĐS đẩy mạnh bán ra nhằm thu hồi vốn, giải quyết khó khăn về tài chính đã khiến cho giá nhà đất dự án tại các thành phố lớn cuối năm 2008 giảm mạnh, thậm chí giảm đến 40% - 60% so với đầu năm.
Mặc dù giá đã hấp dẫn và một số ngân hàng thương mại cũng tái khởi động chương trình cho vay BĐS, nhưng giao dịch nhà đất vẫn rất trầm lắng. Nhiều dự báo cho rằng, dù biện pháp kích cầu đã được tung ra nhưng thị trường BĐS năm 2009 chưa thể ấm lại.
Một số chuyên gia kinh tế còn cảnh báo, ngay từ đầu năm 2009 sẽ có nhiều nhà đầu tư, đầu cơ BĐS phải đối mặt với việc trả nợ ngân hàng, trong khi giá nhà đất vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Đặc biệt, khi kinh tế năm 2009 được dự báo tiếp tục khó khăn thì thị trường BĐS cũng khó tránh khỏi hệ lụy.
Do đó, khả năng hồi phục của thị trường trong năm nay là rất khó. Thậm chí, có khả năng giá nhà đất sẽ còn giảm hơn nếu không có giải pháp tăng vốn từ bên ngoài thị trường.
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế độc lập nhận định, phần lớn dự án BĐS đang được triển khai hay đã hoàn thành là những "thương phẩm", chủ yếu là để mua đi bán lại, lấy lời trên giá cách biệt từ khi mua của công ty chủ dự án, hoặc từ các nhà đầu cơ có quan hệ đặc biệt với chủ dự án.
Những dự án này sẽ khó có thể tồn tại, lượng người đầu cơ đã giảm rất nhiều qua những pha lỗ nặng trong năm qua, vốn tự có phần nào đã cạn kiệt, tín dụng của ngân hàng cũng không còn dễ dãi như trước nữa. Những căn hộ hay biệt thự đã mua vào trong thời gian qua, nay không tìm được người mua, hợp đồng vay đến hạn, nhiều nhà đầu cơ phải trả vốn và lãi cho ngân hàng, buộc phải bán đổ, bán tháo.
Những diễn biến này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến ngân hàng. Tại thời điểm này, tổng dư nợ vốn cho vay đầu tư BĐS tại các tổ chức tín dụng trong cả nước là trên 115.000 tỷ đồng (chiếm 9,5% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế), trong đó 2 địa phương là Hà Nội và TP. HCM có dư nợ chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay BĐS trong cả nước. Theo ước tính của nhiều chuyên gia thì tổng số nợ xấu trong dư nợ cho vay BĐS sẽ lên tới gần 5%, chạm ngưỡng tỷ lệ nợ xấu đáng lo ngại trong hoạt động ngân hàng.
Lường trước những hệ lụy xấu có thể xảy ra, nên dù tuyên bố tái khởi động khoản vay BĐS, nhưng thực tế các ngân hàng thương mại vẫn hết sức thận trọng, yếu tố quản trị rủi ro vẫn được các ngân hàng đặt lên hàng đầu, yếu tố tăng trưởng chỉ ở hàng thứ hai.
Trao đổi với PV, đại diện VIB Bank cho biết, việc tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng thời gian tới vẫn chỉ tập trung tăng dư nợ của các khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh… Chính vì vậy, trong tháng 12/2008, dù lãi suất đã giảm khá mạnh, nhưng dư nợ của VIB Bank chỉ tăng khoảng 10% so với dư nợ tháng 11/2008.
Các khoản cho vay ra dù là tiêu dùng hay BĐS vẫn được xem xét kỹ lưỡng với nguyên tắc quản trị rủi ro là hàng đầu; dự kiến phải đến hết quý II/2009, VIB Bank mới tiếp tục tung ra những sản phẩm mới cho hoạt động tín dụng dành cho BĐS.
Trong tình hình chưa khả quan như hiện nay, một số ý kiến cho rằng, đối với các dự án đang đình trệ thì nên chuyển nhượng sớm, hoặc cắt lỗ và chuyển qua các dự án BĐS cho những người thật sự có nhu cầu mua nhà để ở.
Thị trường BĐS còn có thể sụt giảm là tin xấu đối với các DN hay nhà đầu cơ trong ngành này, nhưng thị trường nguội lạnh cũng có thể làm hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ, tạo điều kiện cho người lao động bình thường có khả năng "mơ" tới một ngôi nhà cho mình.
Ngoài ra, trong giai đoạn trầm lắng, Nhà nước cũng có một “khoảng lặng” để hoàn thiện các công cụ quản lý đối với thị trường, điều mà khi thị trường địa ốc sốt nóng rất khó để thực hiện.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán