Gần đây, xung đột giữa chủ đầu tư và người mua nhà ngày càng tăng cao do hàng loạt dự án chậm tiến độ. Quyền lợi khách hàng không được đảm bảo dẫn tới mâu thuẫn với chủ đầu tư và kéo theo đó là kiện tụng, tố cáo.
Dự án đắp chiếu: Kiện cáo nổi lên
Tại Hà Nội, cái tên AZ Land là một trong những nối ám ảnh của nhà đầu tư và người mua nhà. Từng được mệnh danh là một đại gia bất động sản với hàng loạt dự án như CT1 Vân Canh, AZ Lâm Viên Complex tại 107 Nguyễn Phong Sắc, AZ Sky Định Công... sau gần 3 năm triển khai huy động vốn từ các nhà đầu tư, tất cả các dự án đều đang còn dang dở hoặc vẫn nằm trên giấy.
AZ Lâm Viên Complex tại 107 Nguyễn Phong Sắc mặc dù đã được đổ trần tầng 2, nhưng từ cuối năm 2011 đã tạm dừng thi công mà không biết ngày nào mới tiếp tục. Dự án AZ Sky Định Công được quây tôn kín xung quanh và vẫn im lìm từ nhiều tháng nay. Dự án CT1 Vân Canh sau 2 lần khởi công, nay trong tình trạng cỏ mọc um tùm. Đặc biệt, người mua nhà dự án Vân Canh CT2 đang có nguy cơ mất trắng. Cám cảnh trước những dự án bất động, nhiều nhà đầu tư tìm hỏi chủ dự án nhưng đều chỉ nhận được những lời hứa hẹn.
Một dự án khác là dự án Binh đoàn 12 Đại Mỗ do Công ty Cổ phần kiến trúc đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Quản lý BĐS Thế Kỷ (Công ty Thế Kỷ - thành viên của CEN Group) là đơn vị ký hợp đồng huy động vốn từ các khác hàng. Tiền vốn góp đã nộp cách đây hơn 2 năm qua hình thức hợp đồng vay vốn, công ty huy động vốn cũng đã thu tiền nhưng đến nay khách hàng dự án Binh Đoàn 12 Đại Mỗ vẫn chưa thể ký được hợp đồng mua bán. Dự án Binh Đoàn 12 Đại Mỗ đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc.
Hàng trăm khách hàng đã góp vốn vào dự án như đang ngồi trên đống lửa khi nhìn hàng tỷ đồng của mình bị ngâm nhiều năm, còn dự án có nguy cơ khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Nhiều khách hàng đã quyết định làm đơn đề nghị công ty Thế Kỷ hoàn trả lại số tiền góp vốn, song điều này không thể giải quyết một sớm một chiều.
Hết vốn, thi công chậm khiến khách hàng không thể kiên nhẫn chờ đến khi nhận nhà (ảnh minh hoạ)
|
Mới đây, hàng chục khách hàng của dự án căn hộ Good House Apartments tại TP.HCM đã đến Công ty cổ phần Lê Minh M.C, chủ đầu tư dự án yêu cầu chủ đầu tư bàn giao nhà theo đúng cam kết. Các khách hàng này đã đóng tiền mua căn hộ từ năm 2009, trong đó phần lớn đã đóng số tiền tương đương với 60-80% giá trị căn hộ. Chủ đầu tư đã từng cam kết, bàn giao nhà hoàn thiện vào tháng 6/2011, sau đó khất lần sang năm 2012 và đến lúc này, không đưa ra được thời gian bao giờ thì hoàn thành dự án.
Tương tự như vậy, hàng chục khách hàng đã kéo đến trụ sở Công ty CP Đầu tư hạ tầng và dầu khí (Petroland) để đòi chủ đầu tư bàn giao căn hộ tại dự án Petroland (quận 2, TP.HCM) như hợp đồng ký kết. Đến nay, dự án đã chậm 14 tháng và đang ì ạch hoàn thiện, nhiều khách hàng đã yêu cầu chủ đầu tư thanh lý hợp đồng.
Căng thẳng hơn, khách hàng đã khởi kiện Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Vạn Hưng Phát là chủ đầu tư Dự án Căn hộ Vạn Hưng Phát (đường Bông Sao, quận 8, TP.HCM), yêu cầu đòi lại tiền đã đóng mua căn hộ tại đây. Lý do họ đưa ra là dự án đã ngừng xây dựng.
Hiện nhiều dự án căn hộ khác ở TP.HCM cũng đang bị khách hàng đòi lại tiền vì chậm tiến độ. Ví dụ, như dự án chung cư Ngọc Phương Nam (tại quận 8) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng An Điền làm chủ đầu tư; dự án Sông Đà RiverSide (tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sông Đà làm chủ đầu tư...
Khiếu kiện là tất yếu!
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc sàn BĐS Info thuộc Tập đoàn Đại Dương, cho rằng, các dự án đối mặt với tranh chấp, khiếu kiện thời gian qua phần lớn là không được triển khai. Nguyên nhân, nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng kẽ hở của quản lý nhà nước trong việc sử dụng hình hức hợp đồng góp vốn khi chưa đủ giấy tờ pháp lý để huy động vốn từ người dân. Một lý do nữa là thị trường bất động sản suy giảm, các nhà đầu tư đã "tháo chạy" ra khỏi thị trường này dẫn đến các chủ đầu tư có tiềm lực kinh tế yếu không đủ khả năng triển khai dự án.
GS Đặng Hùng Võ, chuyên gia bất động sản, cho rằng, hình thức bán nhà trên giấy đã diễn ra ở nhiều dự án do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính. Mua bán nhà trên giấy, người mua mang rủi ro rất lớn nhưng với tâm lý càng rủi ro càng lãi lớn nên họ chấp nhận làm hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư. Khi thị trường đảo ngược, đóng băng... khách hàng rơi vào cảnh lao đao và bắt đầu đi kiện. Kiện cáo trong bất động sản thời nào cũng có nhưng gần đây nổ ra mạnh hơn bởi khách không còn tâm lý e dè, lo ngại.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, hiện hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, dự án đang thi công bị ngừng trong thời gian dài, hoặc xây xong không thể hoàn thiện để bàn giao cho người mua. Thị trường bất động sản gặp khó khăn, bản thân doanh nghiệp đã suy kiệt, hết tiền mặt, trong khi đó không có khách hàng mua, còn người đã mua thì không đủ tiền để đóng tiếp. Lý do một phần do chính doanh nghiệp đầu tư tràn lan nhiều dự án hoặc không đủ tài chính để đầu tư bất động sản. Trước tình hình hình hiện nay, tranh chấp khiếu nại sẽ xảy ra nhiều. Một số dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp đã trây ỳ, thậm chí bỏ trốn.
"Với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, nhiều dự án ngừng xây dựng và rất nhiều dự án bị chậm tiến độ. Điều này đang đặt các chủ đầu tư trước áp lực khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng", ông Đực nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF