Khi các vụ vỡ nợ liên tiếp chưa kịp lắng thì nhiều nhà đầu tư bất động sản tiếp tục cầu cứu đến tín dụng đen khi các khoản vay ngân hàng đang sắp đến ngày đáo hạn.
Liên tiếp hơn 1 tháng qua, hàng loạt các vụ vỡ nợ với quy mô lớn, rộng liên tiếp “nổ” đã gây ảnh hướng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản bởi những người cầm cái vay tín dụng đen lại là các đại gia bất động sản lớn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Những tưởng sau khi các “chúa chổm” trong làng bất động sản lần lượt sa lưới pháp luật thì tín dụng đen hết cửa. Thế nhưng, điều này hoàn toàn không đúng khi gần đây dịch vụ cho vay nặng lãi tiếp tục hoạt động khá mạnh để đáp ứng nhu cầu vay mượn tiền của nhà đầu tư khi ngân hàng đóng cửa cho vay bất động sản.
Theo quy định ngân hàng nhà nước thì ngày 31/12 tới là hạn chót cho các ngân hàng thương mại đưa tín dụng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất về 16%. Để hoàn thành chỉ tiêu này, nhiều tháng nay các ngân hàng phải dốc hết sức để đốc thu các khoản nợ đến hạn phải trả.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư bất động sản lại đang gặp vướng khi kế hoạch bán nhà đất để trả nợ lại không thể diễn ra theo kịch bản đã được vạch sẵn bởi thị trường đóng băng trong thời gian khá dài, đặc biệt giá đất lại sụt giảm quá sâu.
Để có tiền thanh toán các khoản nợ, nhiều người đã phải chấp nhận “gõ cửa” tín dụng đen.
Anh Phùng Tuấn Anh (nhà đầu tư) không ngần ngại chia sẻ, hiện anh đang vay ngân hàng gần 4 tỷ đồng tuy nhiên sắp đến ngày đáo hạn mà lô đất anh mua tại dự án Vân Canh vẫn chưa thể bán được mặc dù chấp nhận bán lỗ hơn 5 triệu đồng/m2. Để có tiền trả nợ ngân hàng, anh đã phải chạy vạy đi vay họ hàng, bạn bè nhưng cũng chỉ được gần 2 tỷ đồng, số còn lại anh đành cầu cứu tín dụng đen.
“Mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng để vay tạm ít tiền đáo hạn nhưng không được bởi các ngân hàng thương mại hiện nay đều nói không cho vay. Do vậy, tôi mang đặt cho người quen vốn là dân buôn đất để vay nóng hơn 1 tỷ đồng với lãi suất 2.200 đồng/triệu/ngày” anh Tuấn nói.
Chị Phạm Thanh Ngà (Giám đốc công ty môi giới Bất động sản Phúc Khang –Hà Đông) vốn là người làm ăn lâu năm trong lĩnh vực bất động cũng đang đánh vật với khoản nợ sắp đáo hạn. Không bán được nhà, chị đành phải xoay sang cửa cho thuê để thu gom được đồng nào hay đồng đấy trả nợ vay ngân hàng và tín dụng đen.
“Sở dĩ tôi chấp nhận vay tín dụng đen chỉ trong thời gian ngắn thôi, đáo hạn khoản nợ vài ngày rồi chờ hợp đồng vay mới. Nếu không có tiền trả ngân hàng thì chỉ còn cách để cho ngân hàng siết nhà ” chị Ngà nói
Vào thời điểm khó khăn nhất thị trường, lãi suất vay tín dụng đen luôn được duy trì mức 3.000 đồng/triệu/ngày. Thậm chí có khoản vay nóng 1-2 tuần, người đi vay chấp nhận với mức 4000-5000 đồng/ngày.
Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 9 sau khi ngân hàng nhà nước đưa ra quyết định hạ mức lãi suất huy động VND xuống còn 14% thì thị trường cho vay tín dụng đen cũng hạ nhiệt xuống mức 1.000 -1.500 đồng/triệu đồng/ngày.
Thế nhưng, gần 1 tháng nay lãi suất cho vay tín dụng đen tiếp tục nóng lên khi các hợp đồng vay tiền ngân hàng đồng loạt đến hạn trả nợ.
Tại các trang web quảng cáo cho vay tín dụng đen, các mẩu tin đăng tải nôi dụng cho vay đáo hạn, giải chấp không cần thế chấp tài sản như thế này nhiều nhan nhản.
“Chuyên tạo nguồn vốn cho ngân hàng, hiện nay chúng tôi đang có nguồn vốn nhàn rỗi lớn để cho vay tại Hà Nôi: Vay giải ngân cho vay dài hạn với lãi suất ngân hàng. ̣̣̣̣̣̣không cần chứng minh thu nhập. Cho vay nóng, đáo hạn ngân hàng lãi suất thấp. Liên hệ 090.26xxxxx
“Cho vay không thế chấ ngân hàng lãi suất lớn hơn 1%/tháng , nhận tiền trong 3 ngày. Liên hệ 0919 xxxxx…..
Theo tìm hiểu riêng của PV, các mức lãi suất vay đáo hạn trên thị trường tự do hiện ở mức khá cao. Nếu thời gian vay trong 1-2 ngày thì lãi suất thường là 1%/ngày (tức 30%/tháng), nếu vay 3-5 ngày thì khoảng 0,7-0,8%/ngày. Thời gian vay càng dài thì lãi suất càng giảm. Thấp nhất cũng ở mức 0,4%/ngày nhưng mức lãi này khá hiếm, chỉ áp dụng đối với khách hàng vay hàng tỉ đồng.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương (TP.HCM) cho rằng, trong bối cảnh chống lạm phát rất khốc liệt như hiện nay là cơ hội cho tín dụng đen bùng phát. Nguyên nhân là do sự can thiệp của Nhà nước chưa hiệu quả, quan hệ cung - cầu bị lệch. Hoặc, có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ không đủ khả năng vay ở ngân hàng thương mại….
Chỉ xét về cung, khoảng 97% nhu cầu của nền kinh tế chỉ tập trung vào ngân hàng. Thành ra, ngân hàng gánh nhu cầu quá lớn trong khi thị trường chứng khoán chỉ ôm được chỉ 3%. Do đó, cung không thể đáp ứng cầu, thế là bị hổng. hác. Một cái cung khác là từ người dân có tiền nhưng không gửi vào ngân hàng, mà trực tiếp cho vay với lãi suất cao. Thế là tín dụng có cơ hội để “sống”.
Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra quan ngại trước vấn nạn tín dụng đen, bởi sự đổ vỡ có dây truyền của hệ thống tín dụng đen thời gian vừa qua đã gây tổn thất lớn về tiền của cho nhiều người dân.
Trong tình hình nền kinh tế đang chững lại, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán xuống dốc, ngân hàng siết chặt tín dụng, nhiều người đã phải xoay sở vay bên ngoài bằng bất cứ giá nào. Nếu không liệu pháp kịp thời thì hiệu ứng đôminô trong đổ vỡ tín dụng đen chắc chắn sẽ xảy ra.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia