Bất động sản: Kỳ vọng lớn vào dòng vốn ngoại

Cập nhật 18/03/2015 13:18

Thị trường bất động sản (BĐS) đang chứng kiến những bước chuyển mình, hay nói cách khác là dần quay lại thời kì hoàng kim vào năm 2007, khi các dòng vốn ngoại ào ạt đổ vào lĩnh vực này.

Theo thống kê, năm 2014, có gần 1.600 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn đăng ký lên tới 15,6 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2013. Trong số đó, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chiếm 13%, đứng thứ hai trong danh sách các ngành thu hút vốn FDI nhất.

Đồng thời, Hiệp hội Bất động sản Hà Nội cũng cho biết thị trường bất động sản Thủ đô đã có tới 1.550 giao dịch thành công từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 2/2015, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã đẩy giá bán trên thị trường thứ cấp lên 10 - 15%, tín hiệu cho thấy bất động sản bước vào thời kỳ phát triển giống như năm 2007.

Hiệu quả từ chính sách

Bất động sản năm 2015 được đánh giá là có nhiều điểm sáng đến từ các yếu tố như việc thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ.

Trong những tháng đầu năm 2015, thị trường đã có những tín hiệu khởi sắc với việc hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản Tp.HCM đua nhau xây dựng và bung ra hàng loạt dự án căn hộ từ trung cấp đến cao cấp.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự thay đổi trong chính sách BĐS; sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài; sự phục hồi của nền kinh tế và những xu hướng tích cực trên thị trường bất động sản của các quốc gia trong khu vực là bốn yếu tố cơ bản góp phần vào đà hồi phục của thị trường nhà đất như hiện nay.

Cụ thể, với những bài học rút ra, quản lý nhà nước đối với thị trường đã sát sao hơn nhằm hạn chế việc đẩy giá từ nhóm đầu cơ. Một vấn đế đang được thảo luận sôi nổi là việc quy định mức vốn pháp định tối thiểu của một doanh nghiệp bất động sản có thể được nâng lên 50 tỷ đồng (so với mức 20 tỷ đồng quy định trong Luật Kinh doanh BĐS 2014).

Dù còn nhiều tranh cãi nhưng việc đề xuất quy định này cho thấy quan điểm của các nhà lập pháp trong viêc hạn chế sự phát triển nóng về số lượng doanh nghiệp bất động sản trên thị trường.

Cùng với đó, phải kể đến việc Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để phục hồi thị trường bất động sản bằng cách tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 30 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ USD). Gói kích cầu này cung cấp các khoản vay để mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi là 6%.

Mặc dù chỉ mới giải ngân được 14,5% của gói 30 nghìn tỷ, các động thái diễn ra trong năm 2014 cho thấy thị trường nhà đất đang dần đi vào ổn định và các giao dịch BĐS cũng đang tăng nhiệt. Năm nay, thị trường đang tiếp tục chờ đợi gói 50 nghìn tỷ đồng (2,34 tỷ USD) sẽ được tung ra để hỗ trợ phân khúc nhà ở thương mại.

Và đặc biệt, khi Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản ở Việt Nam chỉ với điều kiện được cấp thị thực nhập cảnh đi vào thực tiễn sẽ giúp thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có mong muốn đầu tư vào thị trường này và xóa đi những rào cản ban đầu, tạo một sân chơi công bằng hơn giữa người nước ngoài và người Việt Nam.

"Đại gia ngoại" nhảy vào

Dù mới bước vào năm 2015, nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 2 tháng đầu năm, đã có 1,2 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam. Các ngành công nghiệp truyền thống của sản xuất tiếp tục dẫn đầu về giá trị đầu tư với tổng vốn đầu tư vào khoảng 952 triệu USD. Trong khi đó, bất động sản tiếp tục là lĩnh vực hút vốn thứ hai với khoảng 111 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 9,3 %).

Trong lĩnh vực bất động sản cao cấp, hai công ty Singapore là Capital Land và Keppel Land đã đầu tư vào khoảng 23 dự án bất động sản tại Việt Nam. Trong khi đó, tập đoàn Gamuda Land của Malaysia cũng thực hiện hai dự án khu đô thị quy mô lớn.

Ở phân khúc trung bình, Sunwah Việt Nam (chi nhánh của Sunwah Group có trụ sở tại Hồng Kông) đang nắm giữ 48% của dự án căn hộ trị giá 200 triệu USD tại Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.

Tập đoàn Creed Group của Nhật Bản cũng đang nắm giữ 80% cổ phần trong dự án City Gate Towers với tổng mức đầu tư là 1.300 tỷ đồng. City Gate Towers là dự án đầu tiên của Tập đoàn này tại Việt Nam và chỉ chiếm 10% tổng vốn đầu tư dự kiến trong kế hoạch hợp tác giữa Creed Group và CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy.

Có thể thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng mua lại các dự án có tiềm năng thay vì tham gia góp vốn vào liên doanh để thực hiện dự án từ giai đoạn đầu như trước đây.

Ông Nakata Yasuyuki, Giám đốc điều hành của Becamex Tokyu Co Ltd., chủ sở hữu của khu đô thị Tokyu Bình Dương, cho biết: "Thị trường Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhờ nhu cầu cao của thị trường, dân số trẻ và một nền kinh tế ổn định. Đây là những yếu tố quyết định để các nhà đầu tư nước ngoài xem xét đầu tư vào Việt Nam".

Theo công ty Chứng khoán Bản Việt, đầu tư nước ngoài sẽ là một trong hai trụ cột để phát triển thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2015. Do giá các dự án cao cấp đã giảm 20-25% so với mức đỉnh của thị trường vào giai đoạn 2008-2009, dự báo sẽ có nhiều nhà đầu tư chủ động tham gia vào phân khúc này.

Những chuyển động của thị trường trong nước cũng phù hợp với các báo cáo của công ty tư vấn bất động sản quốc tế CBRE về thị trường bất động sản khu vực châu Á Thái Bình Dương. CBRE dự báo giá trị đầu tư trong thị trường nhà đất khu vực sẽ tăng 5%, đạt mức 118 tỷ USD trong năm nay.

Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, ông Timothy Horton, cũng dự báo: "Năm 2015 sẽ là một năm rất sôi động của bất động sản Việt Nam. Tôi đang rất hào hứng chờ xem đến tháng 7/2015, Luật Nhà ở sửa đổi sẽ mang lại tác động như thế nào khi nó chính thức có hiệu lực và đi vào thực tiễn", ông Timothy Horton nói.

Như vậy, cùng với số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, một tương lai tươi mới hơn cho thị trường bất động sản trong vài năm tới là hoàn toàn có cơ sở.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ nhiệm CLB Bất động sản Hà Nội

Nhà đầu tư nước ngoài đang có những cơ hội tuyệt vời vì hết năm 2017, các hàng rào thuế quan được xóa bỏ, Việt Nam tham gia vào TPP, AEC, EU… Đây là cơ hội cho việc mua bán các dự án sôi sộng khi thương mại tự do không còn ranh giới. Ngoài ra, sự nới lỏng của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 sẽ góp phần làm nóng phân khúc nhà ở cao cấp. Các nhà đầu tư nước ngoài có tiền sẽ nhảy vào thị trường còn non trẻ của Việt Nam. Luật cho phép chuyển đổi một phần và toàn bộ dự án, điều này chưa từng có trong lịch sử đó là cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Timothy Horton: "Năm 2015 sẽ là một năm rất sôi động của bất động sản Việt Nam. Tôi đang rất hào hứng chờ xem đến tháng 7/2015, Luật Nhà ở sửa đổi sẽ mang lại tác động như thế nào khi nó chính thức có hiệu lực và đi vào thực tiễn".



DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh