Những lô đất lớn để xây cao ốc sẽ có triển vọng tăng giá - Ảnh: D.Đ.Minh. |
Nhiều nhà đầu tư theo kiểu “lướt sóng kênh” (tức là kênh đầu tư nào giá đang ở chân dốc thì đầu tư, khi giá vượt đỉnh sang dốc bên kia thì rút, khi giá xuống đáy lại vào đầu tư). Điểm lại từ đầu năm đến nay, giá vàng đã 2- 3 lần lên đỉnh và xuống đáy, xen kẽ chứng khoán cũng đã vài lần xuống đáy và lên đỉnh; riêng bất động sản (BĐS) lạnh từ tháng ba năm ngoái, bước sang năm nay cũng xen kẽ có vài đợt nóng, lạnh nhẹ.
Không phải ai cũng có thể lướt kênh, nếu lưng vốn ít, tài phán đoán thấp, tính liều ít cộng thêm ít may mắn... thì lướt một kênh cũng đã khó, thậm chí lướt theo còn lãnh đủ thất bại. Bởi dự đoán dòng tiền trong cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập, lại đang ở giai đoạn thoát dần ra khỏi khủng hoảng là rất khó khăn.
Người viết dự đoán giá BĐS nhìn chung sẽ tăng lên, nhưng phải có lộ trình. Và lộ trình đó sẽ ra sao?
Một, đất nền có diện tích rộng để xây dựng các công trình lớn, trung tâm thương mại, siêu thị, chung cư cao tầng... giá sẽ tăng trước, tăng cao hơn các loại đất khác. Mua bây giờ, sau vài ba năm thi công sẽ đón đầu được thời cơ kinh tế trong nước và thế giới phục hồi.
Hai, đất ở những nơi có công trình đang hoặc sắp thi công như đường, khu đô thị mới, từ đất công nghiệp chuyển sang... giá sẽ tăng cao hơn các khu vực khác. Điểm này thì gần như không theo chu kỳ mà ở đâu và lúc nào cũng xảy ra. Ở một số nơi còn có sự so sánh về mức độ xa gần, cao thấp, phong thủy cũng có giá và tốc độ tăng khác nhau.
Ba, những người thắng vàng đang chuyển sang chứng khoán, chứng khoán đang tìm đỉnh mới vào cuối năm nay và đầu năm sau, lúc đó sẽ có bộ phận nhà đầu tư hay một phần vốn được chuyển sang thị trường BĐS. Sự ấm, nóng của thị trường BĐS thông thường do nhu cầu thực tăng, nhưng phần lớn vẫn là kết quả chuyển dịch của dòng tiền.
Hiện nay, có một phần do được đầu tư sớm để đón đầu cơ hội phục hồi kinh tế, còn một phần do tranh thủ lúc giá vốn đầu tư và vật liệu xây dựng còn đang rẻ. Tuy nhiên, sự ấm nóng này cũng có phần đóng góp của yếu tố đầu cơ, chưa hoàn toàn là nhu cầu thực của người sử dụng. Một lượng tiền lớn vẫn còn ở trong thị trường chứng khoán. Thị trường BĐS chưa thể sốt được.
Có nguyên nhân do kinh tế vĩ mô chưa đạt được như bình thường. Cơn sốt lần thứ nhất chủ yếu lúc đó đất nước đã cơ bản vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội và thoát khỏi bao vây cấm vận của Mỹ. Cơn sốt lần thứ hai xuất hiện khi kinh tế đã phục hồi, sau tác động của cuộc khủng hoảng khu vực và sau Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ. Cơn sốt BĐS lần thứ ba xuất hiện khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng do lạm phát cao ở trong nước, rồi cuộc khủng hoảng thế giới, đã làm cho cơn sốt thứ ba nhanh chóng bị lạnh.
Vì vậy, chúng tôi dự đoán cơn sốt thật có thể chưa thực sự xảy ra, có lẽ phải đến năm 2011-2012 khi kinh tế đã phục hồi tăng trưởng. Song việc tăng giá ở khu vực này hay khu vực kia, ở loại sản phẩm này hay sản phẩm kia vẫn có thể xảy ra, nhưng tốc độ tăng thường chỉ tính bằng phần trăm, chứ chưa thể tính bằng lần.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên