Với lợi thế có đất, các doanh nghiệp trong nước tại TP.HCM đang tranh thủ tìm nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài để góp vốn làm dự án. Đây là xu hướng phổ biến trong thời gian gần đây.
Dự án The Estella (xa lộ Hà Nội, quận 2, TP.HCM) qui mô khoảng 1.500 căn hộ, tổng vốn đầu tư là 106 triệu USD. Đây là dự án liên doanh giữa Keppel Land (thuộc Tập đoàn Keppel của Singapore, chiếm 55% vốn) và Công ty Tiến Phước (45%).
Nội, ngoại kết hợp
Đối diện với dự án này, một dự án căn hộ cao cấp khác cũng đang triển khai, chủ đầu tư là liên doanh giữa tập đoàn bất động sản nước ngoài và hai công ty trong nước. Dự án có khoảng 750 căn hộ, vốn đầu tư 40 triệu USD, trong đó phía doanh nghiệp nước ngoài chiếm đến 80%. Cạnh đó, một dự án chung cư hàng trăm căn hộ hợp tác giữa Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức và một tập đoàn của Hàn Quốc đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Một tập đoàn bất động sản của Singapore cho biết họ "bước chân" vào thị trường địa ốc TP.HCM bằng dự án nhà ở triển khai vào tháng 2 - 2006. Tuy nhiên với kết quả khả quan, tập đoàn này tiếp tục đầu tư vào bốn dự án khác tại quận 7, quận 9 với qui mô lên đến 2.800 căn hộ.
Nhiều dự án đang triển khai dở dang hoặc "treo" đền bù từ nhiều năm qua cũng đang được chủ đầu tư lên kế hoạch kêu gọi đầu tư, đưa vào liên doanh. Các khu vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là khu vực quận 2, 9, khu Nam Sài Gòn và các khu vực đất còn rộng tại các huyện ngoại thành để phát triển thành khu đô thị.
Không chỉ xây dựng căn hộ để bán, cao ốc văn phòng cho thuê, khu du lịch, nghỉ dưỡng, đại diện một công ty địa ốc nước ngoài không giấu tham vọng: đang tìm một số khu đất tại các tuyến đường cao tốc, trục giao thông lớn có diện tích vài trăm hecta để xây dựng khu đô thị. Những khu đô thị này sau khi hoàn chỉnh sẽ là "đối trọng" với khu Phú Mỹ Hưng hiện nay.
Không chờ đền bù xong
Năm 2007 thị trường địa ốc chứng kiến cuộc "đổ bộ" của các nhà đầu tư nước ngoài. Ước 40% tổng vốn của các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào thị trường bất động sản. Tại TP.HCM, các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến lĩnh vực này từ Hàn Quốc, Singapore và gần đây là Malaysia...
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Dương cho biết cách nay không lâu ông từng tháp tùng lãnh đạo UBND TP.HCM đến các nước Singapore, Malaysia... để kêu gọi đầu tư vào các dự án địa ốc. Thế nhưng không chỉ ông mà các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực đều nhận được sự "thờ ơ" từ phía công ty nước ngoài. Một số doanh nghiệp đặt ra yêu cầu là ngoài góp đất, công ty trong nước phải có vốn đối ứng. Điều kiện này khiến không ít công ty trong nước... bó tay.
Tuy nhiên theo ông Dương, ngược lại với trước đây, năm nay có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào địa ốc. Có những dự án của doanh nghiệp trong nước không cần chào mời mà họ cũng tự tìm tới. "Xu hướng này một phần do khâu tiếp thị, một phần do các dự án đã bắt đầu "hái quả", lợi nhuận cao nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm hơn" - ông phân tích. Do vậy công ty kinh doanh địa ốc nào có đất rộng, ở vị trí thuận lợi đang là một ưu thế.
Theo tổng giám đốc một công ty địa ốc, trước đây một số công ty ngại rủi ro khi bỏ vốn vào thị trường bất động sản. Nhưng nay nguồn vốn đang "chảy" qua nhiều kênh để vào thị trường này. Không ít công ty nước ngoài còn chấp nhận rót hàng triệu đôla cho doanh nghiệp trong nước đền bù, sau khi hoàn tất mới triển khai dự án. Vì nếu chờ đền bù xong sẽ mất cơ hội đầu tư.
Bổ sung vốn cho thị trường
Các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc cho rằng do thị trường phát triển mạnh trong thời gian gần đây nên nguồn vốn cho bất động sản đang rất thiếu.
Chưa kể gần đây qui định yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng xong phần móng mới được huy động vốn của khách hàng đang là bài toán đau đầu của doanh nghiệp. Do vậy hình thức liên doanh với các đối tác nước ngoài để đền bù, làm dự án là một trong những "lối ra" cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.
Điều này cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, xóa bớt dự án "treo" kéo dài nhiều năm liền do không có vốn triển khai. Đây là xu hướng được nhiều doanh nghiệp chọn lựa.
Theo Tuổi Trẻ