Bất động sản Hải Phòng: Hết đường… “lướt sóng”

Cập nhật 25/05/2011 15:40

Sau một thời gian “chạy đua” theo giá của thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội, đến thời điểm này, giá BĐS ở Hải Phòng đã hết “sốt” và đang lùi dần về mốc ban đầu. Kết quả là nhiều cò đất, buôn đất rơi vào tình trạng “đói tiền” và nợ nần.

Vắng như chợ chiều


Thời gian qua, thị trường BĐS Hải Phòng đã quay ngoắt về giá thực của nó mà vẫn không có người mua. Theo chân những “cò đất”, chúng tôi mới thấy được “kỹ nghệ” hò hét của các cò nhưng cũng chẳng ăn thua. Chị Vũ Thị Vui, nhà ở P.Đằng Hải, Q.Hải An (một “cò” khá nổi tiếng ở khu vực đường ngã 5 - sân bay Cát Bi) than thở: “Dạo này “đói” quá, chẳng bán được mảnh nào. Vừa rồi thấy đất “sốt”, mình cùng mấy người bạn ôm hàng loạt đất cạnh dự án Vườn Hồng để chờ khách. Nào ngờ, toàn thấy khách đến hỏi thăm rồi lại đi”.

Ngược vào một số làng ở xã vùng ven như Đằng Hải, Đằng Lâm, Phương Lưu, An Dương… chúng tôi thấy biển bán đất treo la liệt các đầu ngõ. Ông Trịnh Văn Bảo, một tổ trưởng dân phố ở làng An Dương kể: “Chưa bao giờ dân làng nhà tôi treo biển bán đất nhiều như bây giờ. Nhà nào có đất, có ao đều muốn cắt ra bán cả. Mục tiêu của họ là bán lấy tiền tiêu pha thôi chứ chẳng có nhu cầu lớn gì. Lúc trước, giá đất ở đây chừng 2 triệu đ/m2. Sau đó cứ thấy nhiều người đến hỏi mua thì nhà nhà tăng giá vô tội vạ, từ 2 triệu hét lên 3, 5… rồi lên 7 triệu đ/m2. Cũng thấy có khá nhiều người mua nhưng để đấy chẳng thấy xây dựng gì cả. Chắc chắn đây là những người đầu cơ đất thôi chứ chẳng phải người có nhu cầu ở, mua đất lập nghiệp”.

Đi tiếp đến một số nơi luôn tự dựng lên những tấm biển lớn với dòng chữ Sàn BĐS Gia Phát, Bạch Đằng… chúng tôi thấy thông tin niêm yết bán nhà, bán đất ở đây chi chít. Tuy nhiên, giá cả toàn “siêu tưởng” đối với người lao động.

Chân dung cò


Sau nhiều ngày lang thang trong giới mua bán BĐS ở TP Hải Phòng, chúng tôi thấy có khá nhiều người là cán bộ các sở, ngành… tranh thủ tận dụng nguồn vốn của gia đình mình để buôn bán đất, nhà kiếm lời. Ngoài ra, có một bộ phận lớn các đầu nậu, nhiều tiền tham gia vào buôn bán kiếm ăn. Thực tế, Hải Phòng không phải như Sài Gòn hay Hà Nội, nơi thu hút dân nhập cư ngày càng đông. Ở đây, người nhập cư về làm việc cũng có nhưng không nhiều. Người làm thuê, lao động, công nhân… chỉ có mức thu nhập bình quân từ 2 - 3,5 triệu đ/tháng nên bảo chắt chiu có hàng trăm triệu đồng để đi mua đất là điều trong giấc mơ của nhiều người.

Giới “cò đất” cứ nghe ngóng ở đâu mở đường là mò đến mua vườn, ao… sau đó chủ động san lấp, làm đường 3m chờ. Điển hình như tuyến đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, theo quan sát của phóng viên, có khá nhiều khu đất kiểu này mọc lên để chờ, sau đó có khách là bán kiếm chênh lệch. Khách mua chủ yếu là dân có chút tiền nhàn rỗi mua đất với hy vọng “lướt sóng”. Được đám cò thổi vào tai những lời đường mật về các viễn cảnh tương lai con đường, vậy là đám này đua nhau “lao” vào đầu cơ. Thực tế, những mảnh đất này được mua nhưng không sử dụng khá nhiều.

Đã có nhiều bài học vì mảnh đất mà các gia đình tranh chấp, thậm chí đưa nhau ra tòa, gia đình, anh em từ mặt nhau; các cấp chính quyền bị dân kiện ra tòa vì xác nhận đất không còn là chuyện hiếm. Bao giờ “cơn sốt” BĐS ở Hải Phòng tan đi? Câu trả lời đang dần hiện hữu.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia