Sự trầm lắng của thị trường chính là cơ hội cho những người tim mua nhà để ở. |
“Hai năm trước chúng tôi kỳ vọng vào bất động sản bao nhiêu thì giờ thất vọng bấy nhiêu. Không ngờ, trong bối cảnh người Hà Nội khát nhà, đất vẫn đầy ra đấy thì giao dịch thực chất thì hầu như không có".
Chia sẻ của đại diện các sàn giao dịch bất động sản, các văn phòng môi giới nhà đất tại hầu hết các khu vực nội ngoại thành Hà Nội đã phần nào cho thấy, thị trường bất động sản Hà Nội đang trải qua một giai đoạn khó khăn như thế nào, cho dù giới đầu tư địa ốc còn cách “tháng cô hồn” vài ba tháng nữa.
Tính chuyện bỏ nghề
Mới khoảng một năm về trước, các sàn giao dịch bất động sản nhỏ lẻ của tư nhân tại Hà Nội còn đua nhau xuất hiện, vì vào thời điểm đó, dường như vẫn không có gì lãi nhanh bằng mua bán, môi giới nhà đất. Nhưng nay đã khác.
Gặp một giám đốc sàn giao dịch bất động sản trên phố Nguyễn Thị Định cuối tuần qua, nghe người này “than vãn”, mới thấy được sự khó khăn của nghề vốn được cho là “hốt bạc”.
Hai năm trước, đang là một cán bộ ngân hàng, lương cơ bản cũng xấp xỉ vài chục triệu đồng/tháng, song do bạn bè tư vấn, khuyên nhủ, Tuyến (tên vị giám đốc nọ) đã chính thức xin nghỉ việc ngân hàng để đứng ra thành lập sàn giao dịch bất động sản. Ngoài vốn tự có, anh còn huy động người thân hùn vốn để trực tiếp mua bán các lô đất, căn hộ nhằm kiếm lời nhanh chóng.
Quyết tâm kiếm lời từ đất của Tuyến không phải là không có kết quả. Theo anh, nếu trừ đi các chi phí, lãi suất thì từ đầu năm 2009 đến nay, sàn giao dịch này cũng đã mang về hơn một tỷ đồng mỗi năm, rõ ràng là thu nhập khá hơn so với khi còn là cán bộ ngân hàng.
Nhưng đó chỉ là chuyện của quá khứ. Phải gần nửa năm nay, sàn giao dịch của Tuyến hầu như không hoạt động, cho dù ngày nào cũng mở cửa. Tình cảnh còn khó khăn hơn khi một số lô đất, căn hộ tại Vân Canh, Văn Khê... mà đại gia đình anh góp vốn để đầu tư giờ đang có nguy cơ rớt giá so với thời điểm mua vào gần hai năm trước.
“Một công ty kiểm toán nước ngoài đang mời tôi về làm với mức lương khá hậu hĩnh. Trong vài tháng tới, nếu thị trường không có chuyển biến tích cực hơn, chắc chắn tôi sẽ đóng cửa sàn giao dịch và trở lại với chuyên môn chính của mình”, Tuyến cho hay.
Trong lần khảo sát cuối tuần qua, người viết đều nhận được những chia sẻ, than vãn giống nhau về sự khó khăn trong làm ăn của phần lớn các sàn giao dịch bất động sản. Tất nhiên, lý do thì hầu như ai cũng hiểu là do sự “đóng băng” của thị trường trong suốt gần một năm nay, thậm chí là từ đầu năm 2010.
Theo lời các đại diện sàn bất động sản, ngoài chuyện thị trường đóng băng, khó khăn của họ còn xuất phát từ việc các chủ đầu tư lớn đều tự đứng ra thành lập sàn giao dịch và phân phối luôn sản phẩm của mình. Còn các giao dịch đất thổ cư, nhà riêng lẻ thì phần lớn người dân tự mua bán, giao dịch trực tiếp mà không phải đợi qua sàn hay nhờ môi giới.
Do đó, nếu không phải thuộc loại “sàn khủng” hoặc không có quan hệ tốt với các chủ đầu tư để nhận luôn cả block chung cư hay đất dự án thì các sàn nhỏ lẻ của tư nhân đều lần lượt chịu chung số phận đóng cửa, hoặc chuyền nghề.
Tại một địa điểm trên phố Trần Thái Tông (Hà Nội), chủ nhà đang cho sơn sửa lại căn nhà 3 tầng khá rộng rãi, đầu tư bàn ghế để mở quán bia, sau hai năm nơi đây là “sàn giao dịch bất động sản”...
Mua nhà đất đã dễ hơn?
Bất động sản vẫn luôn được xem là lĩnh vực nhạy cảm và mang nặng tính đặc thù vốn có, nhưng, sự ế ẩm của các sàn giao dịch, các trung tâm môi giới nhà đất đã phản ánh phần nào việc mua bán trên thị trường này tại Hà Nội đang có nhiều ưu thế thuộc về người mua.
Giới đầu tư lẫn người dân hiện đều có chung nhận xét: mua đất, mua nhà giờ đã dễ hơn nhiều so với thời điểm này hai năm về trước. Việc tìm căn hộ chung cư vừa tiền, một mảnh đất khoảng 30 triệu đồng/m2 ở khu vực lân cận trung tâm giờ đây không phải là chuyện bất khả thi.
Khi người viết có dịp khảo sát giá đất tại các khu vực Long Biên, Gia Lâm..., chị Nguyễn Hồng Hải (Thạch Bàn, Long Biên) cho hay, số hộ gia đình có nhu cầu bán đất tại khu vực gia đình chị đang sống hiện rất nhiều. Ngoại trừ đất thuộc các mặt đường rộng, ôtô đậu cửa có giá từ 50 - 60 triệu đồng/m2, còn lại đất thuộc các đường liên thôn, xóm, hoặc các ngõ nhỏ đều có giá trên dưới 30 triệu đồng/m2.
Như vậy, với mỗi gia đình trẻ, chỉ cần có trong tay khoảng 1 tỷ đồng là đã có thể nắm trong tay một mảnh đất đủ để cất một ngôi nhà trên dưới 30 m2. Còn với những người có sở thích sống chung cư, với một tỷ đồng trong tay, họ cũng có thể sở hữu một căn hộ chung cư khoảng 60 m2, tất nhiên là phải chờ khoảng hai năm sau mới đến hạn bàn giao nhà.
Theo ông Bùi Đắc Lợi, phụ trách sàn giao dịch bất động sản Quang Minh, các giao dịch nhỏ lẻ, thứ cấp đang rơi vào trạng thái gần như “bất động” hoàn toàn. Hầu như các trung tâm môi giới, sàn nhỏ đều khóc dở mếu dở và không thể kiếm chác gì từ tiền môi giới nhà đất. Ngay cả với những doanh nghiệp có vốn đầu tư vào một vài dự án nào đó, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn.
Nhưng theo ông Lợi, khi mà các sàn giao dịch bất động sản đang “ngủ đông’, đói rét thì cũng chính là cơ hội cho không ít người mua, đặc biệt là những người mua nhà để ở, bởi cung qua các sàn hiện nay rất lớn, trong khi mức phí môi giới và các khoản khác thì lại đang có xu hướng giảm do các sàn cạnh tranh với nhau.
Ngay cả những gia đình có nhu cầu bán nhà, đất nhưng không muốn giới thiệu qua sàn cũng đang tăng đáng kể, với việc họ tìm cách tự rao bán hoặc đăng báo, mạng internet...
Bình luận về thị trường bất động sản Hà Nội hiện nay, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vũ Xuân Thiện cho rằng, giá đất Hà Nội đang có xu hướng ổn định và không tăng tại nhiều khu vực. Việc sốt đất tại một vài khu vực như Sóc Sơn, Đông Anh vừa qua chỉ mang tính cục bộ, không phản ánh đúng mặt bằng giá đất tại các khu vực đó.
Do vậy, theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, với các chính sách của nhà nước nhằm ổn định kinh tế nói chung và bình ổn thị trường bất động sản nói chung, thị trường bất động sản đang có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng có lợi cho người mua, khác hẳn với tình trạng sốt ảo, bong bóng của vài năm về trước.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy