Bất động sản Hà Nội: Giai đoạn trầm lắng mới ?

Cập nhật 24/06/2010 14:40

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo phải kiểm tra việc tăng nóng bất thường của thị trường BĐS cũng như Ngân hàng nhà nước yêu cầu kiểm tra thực trạng cho vay BĐS của các Ngân hàng thương mại, thị trường BĐS lập tức có những điều chỉnh và cơn sốt đã hạ nhiệt. Một đặc điểm nổi bật là các dự án càng xa trung tâm, càng xuống giá.


Sau giai đoạn sốt, giao dịch nhà đất bắt đầu chững lại cả về lượng lẫn giá

Thông tin ghi nhận trên thị trường cho thấy, cả giới đầu tư và đầu cơ đều có biểu hiện “giảm tốc” để nghe ngóng thông tin và thị trường. Giám đốc một DN kinh doanh BĐS thuộc khu vực Ba Vì - Hà Nội cho biết, một số lô đất vài ha trước đây một tuần có thể trao tay ngay với giá hai chục tỷ thì hiện chỉ có 11 tỷ mà khách cũng không mua. Có thể nói cơn sốt nóng kỷ lục mà giới đầu cơ cho là hàng trăm năm mới có một lần vừa qua ở Hà Nội đã chính thức chấm dứt sau một thời gian rất ngắn.

Sở dĩ giới đầu tư bắt đầu trù trừ cơ bản là do thông tin phát đi từ Chính phủ và Ngân hàng nhà nước về việc kiểm soát cho vay BĐS và hạn chế “nhiệt độ” của thị trường BĐS. Lượng tiền từ các ngân hàng thương mại “ném” vào BĐS tăng khoảng 4% so với cuối năm 2009 và đạt con số 192 nghìn tỷ đồng. Điều rất được quan tâm là có 122 nghìn tỷ đồng thuộc danh mục cho vay tiêu dùng được đề nghị phải kiểm tra xem xét kỹ bởi có thể một phần không nhỏ trong đó cũng đã được đổ vào BĐS khi người vay dùng tiền này để mua nhà, đất hoặc sửa chữa xây dựng nhà.

Như vậy khi tín dụng mặc dù chưa bị siết song giới đầu tư đã đoán được tương lai chẳng mấy tươi sáng và thị trường bắt đầu có dấu hiệu “gật gù” chuẩn bị cho một đợt “ngủ đông” mặc dù đang giữa mùa hè.

Buổi sáng tại một sàn giao dịch BĐS nằm ngay tại khu vực đường Láng - Hoà Lạc, nơi cách đây chỉ mấy ngày các “đại gia” đi săn đất đông nườm nượp hôm nay cũng vắng vẻ. Một nhân viên ở đây cho biết, không những giao dịch đã ít mà người qua lại sàn giao dịch cũng hiếm dần. Tháng trước, khu vực này đã tăng giá chóng mặt, có những vị trí tăng 50% và không ít nơi tăng 100%. Tuy vậy vào thời điểm này, giá đất tại khu vực dọc theo đường Láng - Hoà Lạc đã hạ nhiệt nhiều so với tháng trước khiến không ít người dân sinh sống ở đây lâu năm tiếc vì lỡ cơ hội bán đắt mà giới đầu tư cũng như đầu cơ lại đang lo giá sẽ còn xuống.

Trong nội thành Hà Nội, nhiều khu vực giá BĐS cũng giảm đáng kể. Khu vực có mức giảm về giá chào bán hiện nay như khu D đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn, liền kề đường 13,5 m được rao bán phổ biến ở mức 33 - 35 triệu đồng/m2. Cũng chính khu này vào thời điểm sốt, giá lên tới hơn 40 triệu đồng/m2.

Một số chuyên gia có kinh nghiệm dự báo rằng, nhiều khả năng phải tới cuối năm, thị trường BĐS mới có thể khởi động một chu kỳ tăng trưởng mới. Hiện nay, các khu vực càng xa Hà Nội (đặc biệt là khu vực Ba Vì) giá càng xuống. Đối với các khu vực gần nội thành giá đã chững lại, giao dịch chậm và có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ nhanh chóng giảm xuống sau tháng 6.

Ông Lê Đức Hải - tổng giám đốc INT Group, một DN chuyên doanh BĐS cho biết, sở dĩ thị trường BĐS liên tục trồi sụt là do bản chất của thị trường BĐS VN là kinh doanh mang tính cơ hội. Mỗi khi cơ quan quản lý công bố một thông tin quy hoạch hay một thông tin về tiền tệ, tín dụng là lập tức thị trường phát sốt hoặc nguội lạnh.

Đối với vấn đề vốn cho BĐS hiện nay, lãi suất cao là điều khiến ngân hàng không còn dễ cho vay và người vay cũng không dám vì sợ lãi suất. ABBank cho biết, cho vay BĐS chủ yếu qua kênh tiêu dùng có thế chấp, trả góp, lãi suất ở mức 15 - 16%. HD Bank và VIB Bank, tín dụng BĐS cũng được tập trung vào cách liên kết với chủ đầu tư để cho vay các cá nhân mua nhà với lãi suất 14,5 - 16%. Huy động vốn khó khăn cũng khiến nhiều ngân hàng chủ trương không đầu tư cho BĐS. Bên cạnh đó các ngân hàng chỉ được sử dụng 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn, thay vì 40% như trước buộc không thể tung vốn vào BĐS mặc dù BĐS vẫn luôn là kênh triền miên đói vốn. Tín dụng hạn chế chính là lý do khiến thị trường BĐS có muốn cũng chưa dễ hồi phục bền vững trong một tương lai gần.

Hiện có ba nguồn vốn phổ biến được huy động cho thị trường BĐS gồm vốn chủ sở hữu, vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong năm 2009, tổng dư nợ cho vay BĐS của các ngân hàng chỉ chiếm 11,76% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Năm 2010, các ngân hàng còn hạn chế hơn với BĐS. Chủ trương của Chính phủ là tập trung tăng cường đầu tư cho vay vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, không khuyến khích cho vay vào các lĩnh vực chứng khoán và BĐS. Như vậy cơn tăng nhiệt bất thường của thị trường BĐS vừa qua liệu có phải là sự chói chang của hoàng hôn trước khi bắt đầu một giai đoạn trầm lắng mới?

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp