Bức tranh toàn cảnh về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm cho thấy lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 8 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,47 tỷ USD, bằng 66,1% so với cùng kỳ 2011.
|
Cụ thể, lĩnh vực này có 281 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,74 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 8 tháng.
Trong khi đó, cho dù thị trường không có bối cảnh thuận lợi, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn đứng thứ hai với 8 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,72 tỷ USD, chiếm 20,4%.
Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa, với 124 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 377 triệu USD, chiếm 4,4%. Tiếp theo là lĩnh vực vận tải, kho bãi; y tế và trợ giúp xã hội với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 198,6 triệu và 83,8 triệu USD.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến ngày 20/8/2012, cả nước đã có 672 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 5,52 tỷ USD, bằng 56,5% so với cùng kỳ năm 2011.
Cũng trong thời gian này, đã có 244 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,95 tỷ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 8 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,47 tỷ USD, bằng 66,1% so với cùng kỳ 2011.
Tuy nhiên, trong khi vốn đăng ký tỏ ra "hụt hơi", ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 7,28 tỷ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là kết quả có được từ việc nhiều dự án đã được cấp phép trong những năm trước đây đang vào giai đoạn triển khai mạnh.
Với một loạt dự án lớn như dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD; dự án Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD; dự án Công ty TNHH Công nghiệp Nipro Pharma Việt Nam tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD..., Nhật Bản đang dẫn đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 4,33 tỷ USD, chiếm 51,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, theo địa bàn đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 1,84 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,05 tỷ USD, chiếm 12,4%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 972,8 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Tiếp theo là Tp.HCM, Bắc Giang, Hà Nội với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 922,9 triệu USD, 902,7 triệu USD và 413,1 triệu USD.
Một điểm đáng chú ý là phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm 2012 có quy mô vừa và nhỏ. Trong số 672 dự án được cấp mới trong 8 tháng đầu năm chỉ có một dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; có 57 dự án có quy mô từ 10 triệu USD trở lên (chiếm 8,1% số dự án) với tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD. Phần lớn các dự án này tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản.
Có khá nhiều các dự án nhỏ và siêu nhỏ trong 8 tháng năm 2012 với 126 dự án có quy mô vốn nhỏ hơn hoặc bằng 100.000 USD, chiếm 19% tổng số dự án và các dự án này chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn, kinh doanh thương mại và sản xuất phần mềm.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy