Trong 8 tháng qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 588,11 triệu USD, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư đăng ký (đứng sau công nghiệp chế biến, chế tạo).
Phân tích về kết quả này, công ty quản lý, tư vấn bất động sản Savills Việt Nam đánh giá, nửa đầu năm 2013, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục với những chuyển biến tích cực, lạm phát kìm lại ở mức 2,4%, tăng trưởng GDP đạt 5%, lãi suất huy động tiếp tục giảm xuống mức 6 - 7% và riêng tại Tp.HCM, lượng kiều hối đạt xấp xỉ 1,9 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế với những chính sách và gói hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ trần lãi suất huy động vốn ngắn hạn, áp dụng việc giảm 50% thuế VAT cho các giao dịch căn hộ thương mại với diện tích sàn dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, cùng với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội.
Theo Savills, đây là những yếu tố thúc đẩy nguồn vốn ngoại vào bất động sản gia tăng, dẫn đầu là Nhật Bản, cho dù thị trường bất động sản trong nước vẫn đang rất khó khăn.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vốn lớn vào lĩnh vực bất động sản trong thời gian gần đây, như tập đoàn Tokyu đầu tư 1,2 tỷ USD xây dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương tại Bình Dương; quỹ đầu tư EXS Capital từ Nhật Bản đã đầu tư 37 triệu USD vào công ty bất động sản Sơn Kim Land...
Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nói: “Tại những hội thảo giới thiệu cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào thị trường Việt Nam do Savills Việt Nam liên tục tổ chức trong thời gian qua ở Nhật Bản, các nhà đầu tư Nhật cho biết họ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và kỳ vọng thị trường bất động sản là điểm đến đầu tư trung và dài hạn”.
Tính đến nay, cả nước có 400 dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 48,23 tỷ USD (còn hiệu lực đến 20/8).
Bên cạnh Nhật Bản, nhiều nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc đã từng đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng đang có mối quan tâm lớn tới những tài sản thanh lý của Việt Nam. Phần lớn các nhà đầu tư đó vẫn đang phát triển dự án của họ theo chiến lược dài hạn.
“Cushman & Wakefield cũng đang nhận được nhiều yêu cầu quan tâm đầu tư của các công ty từ Trung Đông và Nga đối với thị trường bất động sản ở Hà Nội và Tp.HCM”, ông Chris Brown, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield (Vietnam) cho biết.
Một trong những rào cản lớn nhất làm chùn chân không ít nhà đầu tư nước ngoài hiện tại là giá đất (yếu tố lớn nhất để đảm bảo tính sinh lời của dự án bất động sản). Giá đất để xây dự án thương mại ở trung tâm Tp.HCM bằng 85% so với Singapore, trong khi giá thuê văn phòng tại Singapore cao gấp 2,5 lần Tp.HCM. GDP của Tp.HCM tương đương thủ đô Manila của Philippines, nhưng giá đất thì cao gấp đôi.
Thực tế này khiến cho giá nhà ở hai thành phố lớn nhất nước khá cao và khó tìm được đầu ra khi nền kinh tế còn đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam nhưng còn đang băn khoăn về vấn đề này.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy