Dường như các cơ quan quản lý vẫn chưa nhìn nhận đúng mức ảnh hưởng từ những bất ổn trên thị trường bất động sản đối với nền kinh tế. Đây là nhìn nhận của đại biểu Trần Du Lịch cùng một số đại biểu Quốc hội khác, xung quanh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chiều 12 và sáng 13/11 tại Quốc hội.
Đại biểu Trần Du Lịch: "Chúng ta phải nhìn nhận được rằng, trong khoảng 30 năm trở lại đây, tất cả các cuộc khủng khoảng kinh tế của thế giới đều xuất phát từ bất động sản mà ra". |
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt câu hỏi, “hiện bất động sản đang ở ngưỡng nguy hiểm, nợ xấu cao, Bộ trưởng có kịch bản gì để đổ vỡ không xảy ra, còn nếu đổ vỡ thì xử lý như thế nào, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?”
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời, thị trường đóng băng như hiện nay là do quá trình phát triển các dự án trước đây phần lớn là tự phát, phong trào, không tuân thủ quy hoạch, dẫn đến các dự án quá nhiều, vượt xa so với nhu cầu thực của thị trường.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng bất hợp lý, vừa thừa lại vừa thiếu, thừa cao cấp, thiếu sản phẩm phục vụ người thu nhập thấp. Đặc biệt, có nguyên nhân không nhỏ là do vốn đầu tư bất động sản chủ yếu vẫn là vốn tín dụng, vay khách hàng, còn vốn chủ sở hữu đa số rất thấp, nên khi khi tín dụng bất động sản thắt chặt thì dự án không phát triển được…
Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị và được Chính phủ chỉ đạo khắc phục khó khăn bằng hàng loạt quy định. Bộ đã và đang rà soát lại các dự án bất động sản, cơ cấu lại các sản phẩm, diện tích căn, cho chuyển đổi nhà thương mại sang nhà xã hội, có cơ chế ưu đãi chủ đầu tư, đề nghị ngân hàng tiếp tục cho người mua nhà vay, giảm thuế cho người mua nhà ở lần đầu…
Tỏ ra hoài nghi về các giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đặt câu hỏi: hiện tồn đọng bất động sản đang rất lớn, hơn 1 triệu tỷ đồng đang “chôn” trong lĩnh vực này, trong khi đó giá nhà dù đã giảm 30 - 40% nhưng cũng không mấy ai mua.
Nhưng nếu Bộ cho chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để bán cho người thu nhập thấp thì ai sẽ phải bù vào khoản chênh lệch đó, sao đến bây giờ Bộ vẫn chưa có các số liệu cụ thể về các dự án đang bị “đắp chiếu”…?
Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, với trách nhiệm của mình, Bộ sẽ tiếp tục đề nghị với Chính phủ có biện pháp mạnh hơn về tài chính, tiền tệ để sớm vực dậy thị trường bất động sản.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng, trong giải pháp mà Bộ và Chính phủ đưa ra đã có sự liên hệ chặt chẽ giữa các bộ ngành, vừa phải rà soát lại các dự án, vừa phải tiếp thêm vốn, vừa có ưu đãi về thuế…, khi đó thị trường mới hy vọng ấm lên.
Nói về trách nhiệm và sự cần thiết phải có sự vào cuộc để "cứu" thị trường bất động sản, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, "hiện đã có Ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản, do một phó thủ tướng làm trưởng ban, nên chắc chắn Chính phủ cũng sẽ quyết tâm tháo gỡ cho lĩnh vực này".
Không đặt câu hỏi thêm cho Bộ trưởng, song đại biểu Trần Du Lịch chia sẻ rằng, thông qua các giải pháp đưa ra, có thể thấy được nỗ lực của Bộ và Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo đại biểu Lịch, dường như các giải pháp đó chưa đặt đúng tầm nghiêm trọng của vấn đề.
“Chúng ta phải nhìn nhận được rằng, trong khoảng 30 năm trở lại đây, tất cả các cuộc khủng khoảng kinh tế của thế giới đều xuất phát từ bất động sản mà ra. Hiện chúng ta đang đứng trước nguy cơ như vậy. Bên cạnh đó, yếu kém trong quản lý thị trường bất động sản là điển hình của sự yếu kém trong quản lý”.
Đại biểu Lịch cho rằng, thị trường bất động sản cũng là điển hình của sự méo mó cung cầu, đầu cơ thái quá, gây bất ổn…, và hiện chúng ta đang lãnh hậu quả.
“Nếu chúng ta không nhìn nhận vấn đề ở góc độ như vậy để từ đó đưa ra một đề án tập trung với những giải pháp quyết liệt, cụ thể đối với từng địa phương thì sẽ không giải quyết được, do đó nợ xấu của nền kinh tế cũng khó mà giải quyết được”, ông nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy