Bất động sản “dậy sóng” đầu năm

Cập nhật 19/02/2014 16:21

Khác hẳn với không khí khai xuân đầu năm như thông lệ mọi năm, ngay từ những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, các chủ đầu tư, sàn kinh doanh bất động sản đã “vào việc” từ khá sớm, khiến thị trường bất động sản như được tiếp thêm “sức mạnh” khởi sắc.

Bất động sản "dậy sóng" đầu năm. Nguồn: Internet

Ghi nhận không khí khai xuân đầu năm tại các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) cho thấy, thị trường đang có dấu hiệu khởi sắc khi có một số lượng lớn khách hàng tìm mua nhà ở ngay từ những ngày đầu năm 2014.

“Hái lộc” sớm…

Trao đổi với phóng viên vào những ngày đầu xuân Giáp Ngọ mới đây, đại diện các sàn giao dịch BĐS ở Hà Nội đều cho rằng, năm 2014, có nhiều yếu tố để khẳng định thị trường “ấm lên” khi có một lượng lớn dòng vốn FDI đang được “bơm” vào BĐS, cộng thêm nguồn cầu của những khách hàng có nhu cầu ở thực là rất lớn.
  
Tận dụng cơ hội “hái lộc” sớm đầu năm, Liên minh sàn giao dịch BĐS (G5) đã mở bán thành công trên 10 giao dịch tại dự án Thang Long Number One (số 1, Đại lộ Thăng Long).

Theo đại diện G5, ngày 23/02/2014, G5 và chủ đầu tư Viglacera sẽ tổ chức chương trình mở bán “Hái lộc mừng xuân” với nhiều khuyến mãi, quà tặng hấp dẫn như: Giảm giá bán đến 50 triệu đồng/căn cho 20 khách hàng đầu tiên đặt mua căn hộ tại dự án Thang Long Number One. Dự án này hiện đang được chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện để kịp bàn giao nhà cho khách hàng vào quý II/2014.

Không chỉ “chớp” cơ hội “hái lộc” đầu năm của các chủ đầu tư nhà ở thương mại, mà các “ông lớn” kinh doanh nhà ở thu nhập thấp cũng lần lượt “bung hàng” trong tháng 02/2014.

Cụ thể, Tổng công ty Viglacera vừa có thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở cho người thu nhập thấp thuộc dự án Khu chức năng đô thị Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội (đợt 3). Theo đó, Viglacera bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 17/02 - 18/03/2014 cho những khách hàng đăng ký mua căn hộ tại dự án này.

Theo chủ đầu tư, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp Khu chức năng Đô thị Tây Mỗ gồm 2 khối nhà chung cư cao 9 tầng (đơn nguyên CT1 và CT2) Trong đó chức năng của 1 đơn nguyên như sau: Tầng 1: bố trí các không gian dịch vụ sinh hoạt cộng đồng, khu vực kỹ thuật và khu vực để xe. Từ tầng 2 đến tầng 9: có chức năng nhà ở với tổng số căn hộ chung cư là 144 căn, bao gồm 18 căn hộ/tầng có các diện tích 33,m2, 48,4m2, 54,5 m2 và 65 m2. Dự kiến, dự án hoàn thành trong quý IV/2014.

Tương tự, từ ngày 17/02 - 15/03/2014, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội SDU -143 Trần Phú (Hà Đông), tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký mua nhà đợt 3. Dự án nhà ở xã hội SDU gồm tòa nhà cao 35 tầng, với 512 căn hộ diện tích từ 52 m2 – 70 m2. Dự kiến, dự án sẽ được đưa vào sử dụng trong quý IV/2015.

Chưa hết, ở phân khúc đất nền giá rẻ trên 20 triệu đồng/m2 cũng đồng loạt được “bung hàng” đầu năm để lấy lộc. Chẳng hạn, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 vừa mở bán nhà liền kề tại dự án Ao Sào (Thịnh Liệt, Hoàng Mai) với giá từ 20 triệu đồng/m2. Diện tích mỗi căn dao động từ 66 m2 đến trên 100 m2. Như vậy, với khoảng 2 tỷ đồng, người mua nhà có thể sở hữu được 1 lô đất liền kề.

Hay vừa mới đây, chủ đầu tư khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) đã mở bán 20 căn nhà liền kề, diện tích từ 60 – 74 m2 với mức giá 29 triệu đồng/m2. Ngay sau khi chủ đầu tư công bố mở bán đã có khá nhiều người xuống tiền mua nhà...

Gói 30.000 tỷ đồng “ngấm” thế nào?

Theo các chuyên gia, thị trường BĐS khởi sắc một phần phụ thuộc vào việc giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho khách hàng vay mua nhà ở. Điều này đã phản ánh đúng diễn biến trên thị trường BĐS trong thời gian qua, đặc biệt ở phân khúc nhà ở giá rẻ mà người mua vay được gói 30.000 tỷ đồng.

Đơn cử, tại dự án Kim Văn – Kim Lũ (Hoàng Mai – Hà Nội) đáp ứng được điều kiện được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng là các căn hộ có diện tích dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Vì vậy, khi chủ đầu tư mở bán dự án này rất đắt khách. 

Tuy nhiên, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, đến ngày 31/01/2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 2.246 khách hàng với tổng số tiền đạt 2.324,3 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 2.218 khách hàng với tổng dư nợ 1.068,5 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cuối tháng 12/2013.
Với tổng dư nợ 1.068,5 tỷ đồng, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng đã giải ngân được 3,56%. Dù tiến độ giải ngân có cải thiện nhưng vẫn rất chậm so với kỳ vọng đặt ra trước đó, là giải ngân chậm nhất trong vòng 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013.

Riêng tháng 01/2014, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận việc đăng ký cho vay hỗ trợ nhà ở bằng nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước theo quy định đối với 3 dự án vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) với tổng số tiền được xác nhận đăng ký vay là 263 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được xác nhận lên 16 dự án.

Bên cạnh gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, để có thêm nguồn tiền hỗ trợ cho người nghèo mua nhà, mới đây, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 188/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2014.

Điều đáng chú ý, Nghị định 188/NĐ-CP có một điều khoản rất quan trọng, đó là Chính phủ yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và các định chế tài chính có trách nhiệm dành một lượng vốn  (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ) để cho các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng”.

Các chuyên gia cho rằng, các chính sách vĩ mô bắt đầu có hiệu lực từ năm 2014, cộng với nguồn vốn tín dụng giá rẻ của các ngân hàng cho khách hàng vay mua nhà… là “liều thuốc” kích thích thị trường BĐS sôi động trong năm 2014. Tuy nhiên, thị trường có thực sự khởi sắc hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: kinh tế vĩ mô, ngân hàng, nhà đầu tư, dòng vốn FDI.../.

DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí Tài chính