Đến hẹn lại lên, mỗi khi bước vào cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, hàng loạt dịch vụ “ăn theo” lại nhanh chóng bùng nổ. Dịch vụ BĐS cũng không là ngoại lệ với hàng loạt triển lãm, họp báo, mở bán, giới thiệu dự án. Thế nhưng, năm nay gió đã đổi chiều...
Để không rơi vào tình trạng đắp chiếu hay biến thành đất hoang, rất có thể giá đất tại Đà Nẵng năm nay sẽ giảm đáng kể |
Với trên 80% khách mua BĐS ở thành phố sông Hàn này đến từ Hà Nội và 13% đến từ TP HCM, mọi năm Lễ hội pháo hoa – dịp thu hút đông nhất lượng khách từ khắp các nơi trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng cũng là thời cơ vàng cho các DN địa ốc tung sản phẩm.
Năm trước, rộn ràng pháo hoa
Thống kê cho thấy, trước và sau khi diễn ra cuộc thi pháo hoa năm 2011 đã có hàng loạt sự kiện triển lãm, giới thiệu dự án, mở bán... được các nhà kinh doanh địa ốc tổ chức. Liên tiếp từ đầu tháng 4/2011, khởi đầu bằng lễ khởi công rất hoành tráng của dự án Golden Hills thuộc Tập đoàn Trung Nam, đến cuộc họp báo đánh giá thị trường Đà Nẵng của Cty CBRE VN, tiếp đó là buổi giới thiệu không kém phần long trọng của dự án khu đô thị Phương Trang - Vịnh Đà Nẵng do Cty Futaland và Savills VN tổ chức, Vinacapital thì tổ chức cả triển lãm BĐS Vinaliving kéo dài liên tục 4 ngày. Đó là chưa kể đến những buổi giới thiệu dự án, chào bán căn hộ của Cty BĐS Meridian, Tập đoàn Thiên Thanh, Tập đoàn FPT... cũng lần lượt ra mắt trên thị trường. Tình trạng nóng liên tục những ngày cận lễ cũng đã diễn ra tương tự trong dịp thi pháo hoa 2010 với khá nhiều dự án BĐS cao cấp của Cty CP Địa ốc Đông Á, Tập đoàn VinaCapital, Indochina Land… được chào hàng trong khoảng thời gian nhạy cảm này.
Không bỏ qua cơ hội béo bở, ngay cả các Cty du lịch lữ hành cũng tung ra các tour Du lịch BĐS tại Đà Nẵng, vừa tham quan các danh lam thắng cảnh vừa kết hợp tham gia các buổi giới thiệu, khảo sát các dự án BĐS trọng điểm của thành phố. Cũng nhờ xúc tác từ nhiều phía nên số lượng giao dịch thành công trong dịp này mọi năm đều tăng đột biến.
Cả trước, trong và sau cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng mọi năm, thị trường BĐS Đà Nẵng biến động không ngừng, giá mỗi lô đất không chỉ tăng 100 – 200 triệu đồng mà có nơi bị thổi giá lên gấp đôi, gấp ba giá công bố trước đó, nhưng theo các cò đất thì vẫn bán “đắt như tôm tươi”.
Năm sau, đìu hiu
Tuy mọi năm là vậy, nhưng năm nay mùa pháo hoa cận kề thay vì mang lại cảm giác ung dung thì lại đẩy giới địa ốc Đà Nẵng rơi vào trạng thái lo sợ. Bởi, thay vì mọi năm cuộc thi pháo hoa Đà Nẵng là thời cơ vàng để “câu” khách Hà Nội, TPHCM vào Đà Nẵng mua đất thì năm nay một số DN kinh doanh địa ốc đất Đà thành lại phán đoán lễ pháo hoa năm nay sẽ là mùa khách Hà Nội vào để bán tháo sản phẩm.
“Cả năm qua lãi suất ngân hàng lên quá cao, lô đất tôi mua trong Đà Nẵng chủ yếu là dùng tiền vay ngân hàng, mấy tháng vừa rồi vừa rao bán trên mạng vừa ký gửi cho sàn giao dịch với giá rẻ hơn giá gốc đến 2 triệu đồng/m2, tức là tôi chịu bán lỗ vốn đến 10% mà vẫn chưa bán được. Mọi năm thì những tháng sau Tết là dịp nóng sốt của nhà đất, nên tôi đang cố đợi để theo dõi thông tin thị trường, nếu không có gì khởi sắc thì đợt nghỉ lễ 30/4 đến cũng là lễ bắn pháo hoa Đà Nẵng chắc tôi sẽ trực tiếp vào để tìm cách bán lô đất, hi vọng dịp này sẽ có đông người có tiền đến đây tìm mua đất” - chị Như Nguyệt, một nhà đầu tư cá nhân Hà Nội than thở.
Theo thông tin từ một Trung tâm môi giới BĐS thì thời gian gần đây đã có khá nhiều chủ đất gửi bán đất nền tại trung tâm, đặc biệt những người ôm cùng lúc 5-7 lô thì với giá nào họ cũng chịu bán, dù là lỗ đến 20 thậm chí là 30%, họ chỉ cần cắt lỗ, thu hồi được tiền mặt để trả nợ ngân hàng. Anh Vũ - “cò” BĐS tại Trung tâm này cho biết: “Hiện nay đã có khá nhiều chủ đất quyết định rao bán đất tại Đà Nẵng, vẫn có khách hàng đến hỏi thông tin dự án, tình hình thanh toán và giá cả nhưng rất hiếm giao dịch thành công. Theo quan sát của phóng viên DĐDN thì cả người bán và người mua đều đang cố gắng nấn ná nghe ngóng diễn biến trên thị trường. Tuy nhiên với những tín hiệu vẫn còn rất xấu của thị trường địa ốc hiện nay thì khả năng Lễ hội pháo hoa sẽ là dịp các nhà đầu cơ chốt sổ tại Đà Nẵng. Chắc chắn dịp này sẽ có rất nhiều cuộc gặp gỡ, giao dịch trực tiếp giữa chủ đất và khách mua, khi đó ắt hẳn BĐS Đà Nẵng sẽ xuống giá rất mạnh”.
Phần lớn các chủ đầu tư dự án BĐS tại Đà Nẵng đều lo lắng bày tỏ: mặc dù BĐS Đà Nẵng mới chỉ xuống giá 10 - 15% so với thời kỳ nóng sốt, không xuống mạnh như đất Hà Nội tuy nhiên nó lại giống biểu hiện của giai đoạn cầm cự và thời điểm xuống giá mạnh nhất rất có thể sẽ rơi vào dịp lễ pháo hoa năm nay và khi đó một kịch bản về sự lao dốc của BĐS đà Nẵng sẽ diễn ra.
Thời gian qua vẫn có một vài giao dịch lẻ tẻ diễn ra ở TP Đà Nẵng, nhưng cả người bán lẫn người mua đều không nêu ra giá trị thực của vụ chuyển nhượng, các chủ đầu tư thì vẫn giữ mức giá công bố khá cao nhằm giữ giá cho những dự án khác họ đang đầu tư, dù thực tế có nhiều giao dịch theo phóng viên tìm hiểu đã thành công với mức giá thấp hơn giá chủ dự án chào bán ban đầu khá lớn. Rõ ràng gió đã đổi chiều trên thị trường BĐS, trước đây thị trường thuộc về người bán nay đã xoay chiều thuộc về người mua. Hiện nguồn cung đang rất lớn, khách hàng có nhiều sự lựa chọn, không còn cảnh tranh giành mua đất. Có lẽ các chủ dự án cần phải mạnh tay hơn trong việc giảm giá, đưa mức giá địa ốc đất Đà thành về mức hợp lý hơn may ra mới khơi thông thị trường trong năm nay.
Bộ Xây dựng đề xuất thành lập 2 quỹ tiết kiệm nhà ở
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, mới đây, Bộ Xây dựng chính thức đề xuất thành lập 2 quỹ tiết kiệm nhà ở.
Với mô hình quỹ tiết kiệm thứ nhất, Quỹ tiết kiệm nhà ở chuyên phục vụ cho người có thu nhập thấp vay mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho DN vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân và đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Nguồn vốn hình thành được huy động bao gồm từ nguồn vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở, tối thiểu bằng 10% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới; ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm; tiền huy động từ các nguồn hợp pháp khác; nguồn đóng tiết kiệm và trả nợ của các đối tượng có nhu cầu tham gia đóng vào Quỹ; nguồn vốn từ ngân sách trung ương cấp một lần ban đầu cho Quỹ; 30% lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc phát hành xổ số nhà ở...
Theo mô hình quỹ tiết kiệm thứ hai, Quỹ tiết kiệm nhà ở áp dụng cho người có thu nhập trung bình vay để mua nhà ở thương mại. Quỹ sẽ do Ngân hàng thương mại hoặc Ngân hàng chuyên về tiết kiệm nhà ở quản lý, vận hành theo quy định của Nhà nước. Đối tượng tham gia đóng Quỹ là người có thu nhập trung bình có nhu cầu mua nhà ở, tham gia tự nguyện, không bắt buộc. Nguồn vốn huy động cho Quỹ là chỉ từ những người tham gia đóng Quỹ, không được huy động từ nguồn khác.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, năm 2012 mới hoàn thành việc nghiên cứu và ban hành chính sách về mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở. Từ 2013 - 2015 áp dụng thí điểm ở hai địa bàn trọng điểm là Hà Nội và TP HCM. Khi chính sách về mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở hoàn chỉnh và vận hành hiệu quả thì mới triển khai trên cả nước.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN