Bất động sản Đà Nẵng đột ngột “đứng hình”

Cập nhật 13/07/2020 09:26

Ngọn lửa vừa le lói ở phân khúc đất nền được kỳ vọng sẽ sưởi ấm cho thị trường đất nền Đà Nẵng đã nhanh chóng vụt tắt.

Nhà đầu tư tiếp tục "ôm tiền" chờ cơ hội mới.

Đất nền đột ngột chững lại

Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) trong nhiều năm qua được xem là tâm điểm của thị trường đất nền Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung nói chung, thậm chí được coi là “nhiệt kế” của thị trường bất động sản Đà Nẵng.

Sau thời điểm giãn cách xã hội, cuối tháng 4/2020, bất động sản Đà Nẵng bất ngờ sôi động khi nhiều nhà đầu tư ào ào mua đất khu vực Hòa Xuân, Nam cầu Nguyễn Tri Phương, Nam Hòa Xuân (thuộc dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân).

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đây là hoạt động “bắt đáy” nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ miền Bắc. Cụ thể, giá đất Nam Hòa Xuân thời điểm đó đang ở đáy, chỉ bằng 60% so với giá lúc cao điểm trong năm 2019 (tầm 1,7 - 2,2 tỷ đồng/lô, tương đương 17 - 22 triệu đồng/m2), giá đất khu vực Hòa Xuân và Nam cầu Nguyễn Tri Phương cũng giảm giá sâu từ 2,9 - 3,5 tỷ đồng/lô thời điểm sốt nóng xuống 2,1 - 2,5 tỷ đồng/lô.

Hoạt động “bắt đáy” trên giúp thanh khoản của thị trường Đà Nẵng tăng lên, đi kèm với đó là giá đất cũng nhích lên theo. Thậm chí, đến đầu tháng 5, giá đất nhiều phân khu tại Hòa Xuân đã tăng lên mức từ 500 - 700 triệu đồng/lô so với đầu năm 2020.

Ông Trần Văn Nguyên, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Đà Nẵng lý giải, thời điểm hậu giãn cách xã hội, một số nhà đầu tư Hà Nội sau khi đã chốt lời đúng đỉnh của đợt sốt năm 2019, đã nhận thấy cơ hội bắt đáy tốt khi giá đất nền Hòa Xuân giảm sâu, nên đã tìm cách ôm hàng trở lại. Cùng với đó, chủ đầu tư một dự án tại Hòa Xuân cũng chuẩn bị “bung hàng” một số phân khu mới, nên cho nhân viên, cộng tác viên tiến hành đặt cọc tạo giao dịch ảo kích thích thị trường nhằm kéo khách. Tất cả làm cho tổng lượng giao dịch trên thị trường đất nền Đà Nẵng cuối tháng 4, đầu tháng 5 tăng mạnh.

“Có thời điểm cò và khách liên tục điện thoại hỏi mua đất, báo chốt lô, chuyển cọc khiến nhiều nhà đầu tư tại Đà Nẵng đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, sau đó mọi thứ lại trở về trạng thái cũ. Đến nay, lượng giao dịch tại Hòa Xuân chỉ còn lác đác đếm trên đầu ngón tay”, ông Nguyên cho hay.

Theo ông Nguyên, nguyên nhân khiến thị trường đột ngột đứng lại là do đa số nhà đầu tư Đà Nẵng vốn am hiểu thị trường, kinh qua nhiều giai đoạn thăm trầm của khu Hòa Xuân, nên đã bình tĩnh theo dõi các diễn biến, chứ chưa nóng vội xuống tiền như trước. Đồng thời, khi chủ đầu tư một dự án tại Hòa Xuân sau khi mở bán phân khu mới đã niêm yết giá bán thấp hơn giá thị trường, khiến nhiều nhà đầu tư phía Bắc bị phá sản kế hoạch “lướt sóng ngắn hạn”. Từ đó, khiến đợt tăng giá vừa qua chấm dứt.

“Hiện nay, số lượng nhà đầu tư chào bán ra nhiều hơn là mua vào. Điều này cho thấy, nhà đầu tư đang cắt lỗ và việc này chắc sẽ chưa sớm dừng lại. Do vậy, nhiều khách hàng vẫn đang kỳ vọng giá đất tiếp tục giảm xuống hơn nữa”, ông Nguyên cho biết.
Khu vực Nam Hòa Xuân, Cẩm Lệ bình yên trở lại sau thời gian ngắn sốt nóng cuối tháng 4, đầu tháng 5

Cũng theo nhận định các chuyên gia, thị trường khu vực Hòa Xuân đột ngột “đứng hình” khiến kỳ vọng về đợt tăng trưởng mới của bất động sản Đà Nẵng trở nên xa vời. Gần như các khu vực khác như ven biển Võ Nguyên Giáp, Tây Bắc Đà Nẵng đều đứng im, không có giao dịch.

Căn hộ nghỉ dưỡng im ắng

Tại thị trường Đà Nẵng hiện nay, bên cạnh đất nền, một số dự án căn hộ nghỉ dưỡng cũng đang chạy quảng cáo và rao bán rầm rộ như Wyndham Soleil Ánh Dương, The Royal, The Sang Residence… Tuy nhiên, theo ghi nhận của một số đại lý bán hàng, lượng giao dịch khá ảm đạm.

Ông Đào Bá Thăng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Bất động sản New Life cho biết, hiện nay, giá bán một số dự án căn hộ nghỉ dưỡng tại ven biển 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn khá cao, tầm hơn 40 - 60 triệu đồng/m2. Với giá bán khá cao như vậy, cộng thêm thời hạn quyền sở hữu lại không lâu dài, rất khó để thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường vốn ảm đạm như hiện nay.

“Nhìn chung, ngoài dự án chung cư FPT Plaza với thời hạn sở hữu lâu dài, giá bán cũng tương đương một chung cư nhà ở hạng trung, các dự án khác rất khó để hút khách. Chưa kể với một căn hộ vào khoảng 4 - 5 tỷ đồng như vậy, khách sẽ ưu tiên lựa chọn mua đất nền hơn là mua căn hộ chỉ để khai thác cho thuê du lịch. Bởi số tiền trên đủ để mua một lô đất nền và xây một căn nhà 2 mê khang trang”, ông Thăng nhận định.

Trong bối cảnh các dự án đất nền cũng như căn hộ tại nội thành Đà Nẵng ảm đạm, thì các dự án khu dân cư giá rẻ tại các khu vực vùng ven lại hút được người mua. Trong tháng 4 vừa qua, tại khu vực Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, dự án Khu dân cư mới Đại Hiệp đã được Công ty cổ phần Xây dựng và Địa ốc S-Germi mở bán ra thị trường với hơn 35 sản phẩm, giá bán khoảng 400 - 500 triệu đồng/lô. Chỉ sau hơn 1 tuần mở bán, gần như tất cả các sản phẩm dự án đều đã bán hết, trong đó đa phần là khách hàng và nhà đầu tư tại nội thị Đà Nẵng.

Ông Phan Minh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Địa ốc S-Germi cho biết, nguyên nhân thành công của dự án là do đã “đánh trúng” thị trường khi sản phẩm phù hợp với nhu cầu mua một sản phẩm với đầy đủ pháp lý, giá rẻ, hạ tầng hoàn chỉnh và có thể để dành trong nhiều năm mà không lo “mất giá” của nhà đầu tư.

Nhận định chung về tổng quan thị trường, bà Lương Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản Thiên Thanh Long cho rằng, thị trường bất động sản Đà Nẵng đã và đang trải giai đoạn khó khăn. Tuy vậy, thị trường cũng có những triển vọng mới khi các dự án hiện nay sau nhiều năm thi công xây dựng đã hình thành hạ tầng đầy đủ, các lĩnh vực kinh tế phần nào hồi phục sau giai đoạn Covid-19. Do vậy, trong giai đoạn này, doanh nghiệp nào chọn được định hướng phù hợp, sản phẩm dự án phù hợp thì thu hút được nhà đầu tư và khách hàng, từ đó sẽ có cơ hội phát triển trở lại.

DiaOcOnline.vn – Theo Đầu tư BĐS