Bất động sản công nghiệp hưởng lợi nhờ COVID-19

Cập nhật 18/05/2020 08:30

Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc tái khởi động. Nhờ đó, Việt Nam đang trên đường trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và lực lượng lao động chi phí thấp.

Giá thuê đất tăng mạnh


Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, tại 31/12/2019, diện tích đất của các khu công nghiệp của Việt Nam đạt 65.900ha với 330 khu công nghiệp, tăng 1.900ha so với cuối năm 2018. Trong đó có 258 khu công nghiệp đang hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy trung bình trên toàn quốc đạt 74,3% vào cuối năm 2019, tăng 1,3% so với cuối năm 2018.

Diện tích khu công nghiệp và tỷ lệ lấp đầy giai đoạn 2015 đến quý 1/2020.

Ở năm 2019, giá cho thuê đất khu công nghiệp ở miền Nam tăng từ 1,8-5,1% trong nửa cuối 2019. Ở các tỉnh phía Bắc, giá cho thuê đất khu công nghiệp tại Bắc Ninh tăng 5,3% trong giai đoạn quý 1-3/2019. Riêng các khu vực khác như Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương, giá thuê đất khu công nghiệp có mức tăng giá thuê đất ổn định hơn.

Báo cáo quý 1/2020 của JLL Việt Nam cho thấy, giá đất trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4-5USD/m2/tháng và đều đã được lấp đầy.

Tại khu vực miền Nam, JLL Việt Nam ghi nhận số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý 1/2020 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5-5USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP.HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại.

“Việt Nam vẫn là một điếm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Dưới tác động của COVID-19, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia. COVID-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong tương lai”, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định.
Giá cho thuê các khu công nghiệp trên toàn quốc từ 2018 đến nay.

Báo cáo mới nhất về bất động sản khu công nghiệp của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng chỉ ra, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên triển vọng kinh tế toàn cầu, nhất là đối với các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, một số công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất khi dịch COVID-19 bùng phát vì các nhà máy của họ được đặt bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như Samsung với các nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam vẫn hoạt động ở công suất cao.

Điều đó đã tạo ra một xu hướng mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi trong ASEAN. Điển hình, Google dự kiến sẽ bắt đầu bán dòng điện thoại Pixel4A và Pixel5 với một phần được sản xuất tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2020. Microsoft dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất dòng máy tính Surface, gồm máy tính để bàn và máy tính xách tay tại Việt Nam trong quý 2/2020.

“Việt Nam vẫn là vị trí thu hút chuyển dịch công nghiệp từ Trung Quốc nhờ chi phí hoạt động thấp và ưu đãi thuế. So với các quốc gia trong khu vực về mức độ thu hút công nghiệp, Việt Nam vẫn là vị trí tiềm năng cho sự chuyển dịch của các công ty nhờ vào giá thuê đất, tiền nhân công, năng lượng và nhà xưởng thấp”, báo cáo của VNDIRECT nêu.

Hưởng lợi

VNDIRECT cũng tin rằng, Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và lực lượng lao động chi phí thấp và ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 nhờ làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc.
Việt Nam đang trên đường trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và lực lượng lao động chi phí thấp.

Báo cáo chiến lược của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, số lượng các công ty tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam tăng 30% trong năm 2019, với mục đích chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc. VDSC ước tính chi phí lao động của Việt Nam lần lượt bằng 48% và 77% so với mức trung bình của Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN. Đồng thời, môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện. Do đó, xu thế dịch chuyển trên đang diễn ra mạnh mẽ, tạo kết quả kinh doanh ấn tượng cho các chủ đầu tư khu công nghiệp.

Chẳng hạn, Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (D2D) ghi nhận doanh thu tăng 32% lên 81 tỷ đồng ở quý 1/2020, lợi nhuận gộp tăng 46% lên hơn 57 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 3, tổng lượng tiền và tiền gửi của D2D lên đến 1.362 tỷ đồng. Cổ phiếu D2D cũng đang giao dịch quanh mức 55.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, Tổng Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi-SNZ) có doanh thu thuần quý 1/2020 đạt 1.078 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp Sonadezi thu về đạt hơn 414 tỷ đồng, tăng 24,7% so với quý 1/2019.

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp khác cũng làm ăn có lãi trong quý 1/2020. Điển hình như lợi nhuận qúy 1 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) đạt 25,4 tỷ đồng, gấp gần 4 lần lợi nhuận đạt được quý 1/2019. Còn doanh thu quý 1 của Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) đạt hơn 85 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ...

DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong