"Trong vòng 10 - 15 năm tới, chưa thể có chuyện thừa cung trên thị trường bất động sản bởi tốc độ đô thị hóa của Việt Nam vào loại cao nhất thế giới và nhu cầu cải thiện nhà ở, nơi làm việc, trung tâm thương mại rất lớn".
Đó là nhận định của ông Trịnh Huy Thục, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ông Thục còn cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam từ nay trở đi dù muốn hay không cũng sẽ luôn có những chuyển biến tích cực. Nhưng nếu không biết tính toán một cách thận trọng, chính xác thì rất có thể nhà đầu tư sẽ đi chệch hướng và gặp những rủi ro trên thị trường.
Việc Việt Nam gia nhập WTO đã cũng đồng nghĩa với nhiều làn sóng đầu tư mới vào nước ta. Và đương nhiên, thị trường bất động sản cũng sẽ phải tăng tốc để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại... của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Một nguyên nhân khác làm cho thị trường bất động sản sẽ "ấm" lên chính là sự nóng lên của thị trường chứng khoán. Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán sau khi thành công đã "chẻ" cổ phiếu của mình sang thị trường nhà đất nên việc bất động sản "ấm" dần lên trong thời gian tới là tất yếu.
Giải thích lý do từ đầu năm, thị trường bất động sản vẫn có những thời điểm bị "đóng băng" dù Việt Nam đã gia nhập WTO, ông Thục nói: "Đó là quy luật cung - cầu. Thị trường sẽ có lúc đông khách, có lúc vừa phải, thậm chí có lúc vắng khách. Và khách hàng thì cũng có lúc cần mặt hàng này, có lúc cần mặt hàng kia.
Vì vậy, điều quan trọng là nhà những người bán, tức các chủ đầu tư phải có những chủ trương đúng hướng, hay nói cách khác là nếu các chủ đầu tư không phục vụ đúng và tốt nhu cầu của xã hội thì sẽ bị ứ đọng vốn. Muốn thành công trong kinh doanh bất động sản thì sự kiên nhẫn vẫn là yếu tố không thể thiếu đối với các nhà đầu tư".
Ông Thục cũng nói thêm rằng việc thuế bất động sản "cào bằng" như hiện nay đối với những người có hàng trăm căn hộ cũng như với người chỉ có một căn nhà để ở có thể ảnh hưởng không tốt tới thị trường Việt Nam bởi có nhiều nhà đầu tư trục lợi. "Thuế là một nguyên tắc để chi phối và điều chỉnh hoạt động trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào. Hiện Việt Nam đang trong qua trình mở cửa hội nhập, kêu gọi đầu tư nước ngoài nên ít nhiều cũng có những ưu đãi nhất định đối với các nhà đầu tư. Nhưng hiện nhiều người dân phản đối và về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới thị trường chung".
Theo Đô Thị