Bất động sản cao cấp vào tầm ngắm thanh tra, chuyên gia nói gì?

Cập nhật 20/12/2017 10:03

Chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần rà soát sự nở rộ của bất động sản cao cấp song cũng cần kiểm tra để chấn chỉnh những sai phạm nếu có của chủ đầu tư.

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chỉ ra một điểm bất hợp lý trên thị trường bất động sản là cơ cấu hàng hóa. Phân khúc nhà ở cao cấp đang dư cung trong khi nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ lại thiếu.

“Một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến bất động sản cao cấp, đầu tư các khu nghỉ dưỡng. Trong khi đó nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở tại các khu công nghiệp dành cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ… vẫn chưa được đáp ứng”, ông nói.

Việc mất cân đối trong phân khúc bất động sản cao cấp có lẽ cũng là một trong các lý do khiến Bộ Xây dựng ngày càng “không an tâm”. Mới đây nhất, trong kế hoạch thanh tra ngành xây dựng năm 2018, hàng loạt các dự án bất động sản cao cấp của nhiều chủ đầu tư lớn sẽ được thanh tra.

Nội dung thanh tra nhắm vào hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở.

Phần lớn dự án lọt vào tầm ngắm là bất động sản cao cấp

Trong kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng, các dự án bất động sản cao cấp và nghỉ dưỡng chiếm phần lớn. Các dự án cao cấp đều thuộc sở hữu của các chủ đầu tư “quen mặt thuộc tên” trên thị trường như Vingroup, CEO Group, BIM Group, Bitexco, THT…

Dự án bất động sản cao cấp lớn nhất sẽ được thanh tra vào năm 2018 là khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây của Công ty TNHH phát triển THT (Công ty con của Deawoo E&C - Hàn Quốc). Dự án có quy mô 207 ha với vốn đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD và được chia là 2 giai đoạn. Các giai đoạn sẽ được thực hiện trong khoảng từ 2014 đến 2019.


Nhiều dự án bất động sản cao cấp lớn sẽ được thanh tra trong năm 2018. Ảnh: Tiến Tuấn.

Dự án có vị trí đắc địa, nằm phía tây Hồ Tây và kề với đường Võ Chí Công nối sân bay Nội Bài với trung tâm Hà Nội. Dự kiến dự án sẽ đáp ứng nhu cầu ở của khoảng 25.000 người với hàng chục nghìn căn hộ, biệt thự liền kề, nhà ở thấp tầng…

Một dự án lớn tỷ đô phía nam Hà Nội cũng lọt vào tầm ngắm thanh tra là The Manor Central Park của Bitexco. Dự án có tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD bao gồm 1.066 căn hộ thấp tầng, 18 tòa cao ốc và các công trình như trường học, trung tâm thương mại… Dự kiến, dự án này sẽ khánh thành vào năm 2018.

Dự án đang rao bán căn hộ với giá khoảng 35 triệu đồng/m2 và khoảng 125 triệu đồng/m2 đối vớ nhà phố thương mại, liền kề, biệt thự.

Tại TP.HCM, 2 dự án cao cấp lớn của Vingroup là Vinhomes Central Park và Vinhomes Golden River cũng sẽ bị thanh tra trong đợt này. Cả 2 dự án đều được Vingroup đầu tư số tiền lên tới 30.000 tỷ đồng và hướng đến phân khúc cao cấp, hạng sang.

Chuyên gia cho rằng cần rà soát sự nở rộ của bất động sản cao cấp. Ảnh: Tiến Tuấn.

Một số dự án cao cấp khác cũng sẽ vào tầm ngắm thanh tra như Dự án Phước Long B, Khu nhà ở Mega Residence, Dự án Topica Garden; Khu đô thị Hùng Thắng, Chung cư Green Bay; Dự án Hạ Long Marine Plaza (BIM Group); Fuji Vallora và Fuji Kikyo (Nam Long)…

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ được thanh tra nhiều vào năm 2018. Hàng loạt dự án condotel, biệt thự biển của Vingroup tại Phú Quốc, Nha Trang, Hội An… sẽ được thanh tra. Ngoài ra còn có các chủ đầu tư khác như CEO Group, Tổng công ty Bến Thành…

Đã đến lúc cần rà soát lại thị trường bất động sản cao cấp

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), phân khúc bất động sản cao cấp đã bùng nổ và tỏ rõ sự mất cân đối từ năm 2014. Đến năm 2015-2016, phân khúc này có nguồn cung ngày càng chênh lệch so với các phân khúc khác trên thị trường.

Bất động sản cao cấp thường có quy mô lớn, vốn đầu tư nhiều, cao hơn nhiều so với các phân khúc khác. Con số này gấp 2-10 lần căn hộ trung cấp, hoặc giá rẻ. Ông Châu cảnh báo việc mất cân đối cung cầu có thể dẫn tới rủi ro lớn trong vấn đề tiêu thụ cũng như thu hồi vốn đầu tư.

Theo ông Lê Hoàng Châu, 3 phân khúc bất động sản là căn hộ cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng và đất nền cần được quan tâm, được kiểm tra và theo dõi thường xuyên. Cơ quan chức năng phải thường xuyên có đánh giá sự hình thành và phát triển của nó đến thị trường, đánh giá những rủi ro cho nền kinh tế.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng không nhằm kìm hãm sự phát triển của bất động sản cao cấp mà là để chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh. Theo đó, bất động sản cao cấp có phát triển hay không phụ thuộc vào quy luật cung cầu của thị trường.


Nghị định 139 sắp có hiệu lực sẽ góp phần chấn chỉnh, lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Ảnh: Lê Quân.

Trong khi đó, sự phát triển nở rộ của bất động sản cao cấp bộc lộ nhiều sai phạm, yếu kém của các chủ đầu tư. Từ các chủ đầu tư lớn đến nhỏ đều bộc lộ những mặt hạn chế, thậm chí là sai phạm. Qua đó, hoạt động thanh tra của Bộ Xây dựng nhằm rà soát và chấn chỉnh, tăng tính minh bạch của thị trường bất động sản.

Ông Đính cũng nhấn mạnh đến Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ sẽ có hiệu lực từ 15/1/2018 là căn cứ để xử phạt cũng như chấn chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Nghị định quy định rõ phạm vi xử phạt hành chính trong đầu tư xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

“Đây sẽ là căn cứ quan trọng để từng bước minh bạch hóa, lành mạnh hóa thị trường trong tương lai”, ông Đính nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Zing