Ngày 25-9, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Theo ghi nhận của phóng viên thì dường như việc tháo gỡ khó khăn cho BĐS vẫn chưa có hướng ra bởi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp chưa có tiến triển.
Thị trường đang "chuộng” căn hộ có diện tích nhỏ hơn nhà biệt thự. Ảnh: S. XANH
Thiếu thanh khoản trầm trọng
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh từ hơn 60 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán, lượng hàng tồn kho bất động sản (BĐS) tính đến tháng 7-2012 là hơn 83 nghìn tỷ đồng, tăng 6,69% so với cuối năm 2011. Một số doanh nghiệp BĐS có số lượng tồn kho lên tới hàng nghìn tỷ đồng như: Quốc Cường Gia Lai (2.846 tỷ đồng), Sacomreal (2.496 tỷ đồng), Ðầu tư, Kinh doanh nhà - ITC (1.813 tỷ đồng)...
Từ những con số cụ thể trên cho thấy, thanh khoản của ngành BĐS nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói chung đang trong tình trạng eo hẹp về vốn đầu tư. Đại diện Công ty địa ốc Hoàng Quân phân trần: "Việc tiếp cận nguồn vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn rất khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án. Ðặc biệt, trong lúc thị trường đóng băng như hiện nay, nhiều dự án sắp hoàn thành, đã đầu tư rất nhiều tiền nhưng vẫn không có khách hàng mua nhà, không huy động được vốn làm kiệt quệ nguồn lực tài chính của không ít doanh nghiệp kinh doanh BĐS”.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc tiếp cận vốn từ ngân hàng vẫn chưa thực sự hiệu quả như những chính sách của Nhà nước đưa ra. Doanh nghiệp BĐS cũng cần được vay với mức lãi suất thấp song không được ưu tiên như các ngành nghề khác. Phần lớn vốn tự có của các doanh nghiệp chỉ khoảng 30% còn lại chủ yếu dựa vào vốn vay và vốn huy động từ khách hàng. Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện dẫn đến phụ thuộc lớn vào những động thái từ phía các ngân hàng và khi ngân hàng siết chặt cho vay thì nhiều dự án phải dừng, hoãn thi công, gây lãng phí.
Nhận định về thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Có thể nói tình hình BĐS đang trong tình trạng "3 dở dang” và "3 giảm”. Cụ thể, đền bù dở dang, công trình dở dang, dự án dở dang; giá sụt giảm, sức mua sụt giảm, giao dịch sụt giảm. Vì thế, từng doanh nghiệp liên tục xin khai tử như vậy vô hình trung tạo nên một thị trường BĐS phức tạp và bất ổn”.
Khao khát chính sách "mở” cho căn hộ diện tích nhỏ
Nguồn vốn ngân hàng khó khăn, các doanh nghiệp BĐS chỉ còn cách duy nhất là bán rẻ sản phẩm để bảo toàn nguồn vốn song tất cả các giải pháp mà doanh nghiệp BĐS áp dụng ít hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp tự mở ra hy vọng bằng đề xuất xây dựng căn hộ diện tích nhỏ để đi sát với thị trường hơn, thanh khoản cũng tăng lên vì nhu cầu căn hộ diện tích nhỏ trong đời sống rất lớn. Tuy nhiên nhưng những quy định trong Luật Nhà ở dường như đang "trói tay, trói chân” cả doanh nghiệp và người dân có nhu cầu khi quy định diện tích tối thiểu là 45m2/căn. Theo các doanh nghiệp bất động sản, chính vì quy định diện tích nhà ở cho nên thị trường BĐS Việt Nam trở nên mất cân đối. Thị trường đang tồn tại một thực tế là nhiều biệt thự, căn hộ cao cấp bỏ hoang và tồn kho trong khi đó người thu nhập thấp lại không có nhà. "Khao khát từ chính sách "mở” cho các căn hộ diện tích nhỏ không được chấp nhận đó chính là quy định khắt khe khiến thị trường này không khá hơn”, một doanh nghiệp khẳng định.
Mới đây, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh có thành lâp đoàn công tác khảo sát tình hình thực hiện các dự án BĐS trên địa bàn nhằm có giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đại diện của đoàn khảo sát thì việc "gỡ rối” vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu trong lúc thị trường ngày một phức tạp hơn. Sở Xây dựng cho rằng, các doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh BĐS phải tự tìm cách tháo gỡ khó khăn. Trong đó, cần phải cải thiện tính minh bạch của thị trường. "Các sở ban ngành liên quan nhiều khi đưa ra những quan điểm chưa đồng nhất, các văn bản ban hành còn chồng chéo nên việc giải quyết khó khăn vướng mắc cho bất động sản ngày một rối. Các sở, ban, ngành cần ngồi lại với nhau để để giải quyết những "điểm nghẽn” này”, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đề xuất.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết