Bất động sản bị “thổi” giá

Cập nhật 18/11/2010 09:45

Ngày 17-11, thông tin từ các quận, huyện cho biết, ở Hà Nội, tại các phiên đấu giá quyền sử dụng đất, đã xuất hiện tình trạng một nhóm người đăng ký đấu giá khối lượng lớn, bỏ thầu giá đất thật cao, nhưng khi trúng lại bỏ tiền cọc, không mua nhằm mục đích nâng giá đất khu vực để trục lợi.

Thu hơn 2.500 tỷ đồng

Ngày 17-11, Sở TN-MT Hà Nội cho biết, tính đến 12-11-2010, trên địa bàn TP, có 18 đơn vị tổ chức đấu giá 11,7ha đất, thu được 2.519,44 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch (KH) thu ngân sách. Trong đó, khu đất của 8 dự án quy mô lớn thu được 1.176,16 tỷ đồng.

Trong khi đó, các khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt của 13 quận, huyện thu được 1.310,43 tỷ đồng và đấu giá 4 nhà chuyên dùng thu 32,85 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho biết, các quận, huyện, sở, ngành chỉ cần tổ chức đấu giá thu thêm 80 tỷ đồng thì Hà Nội sẽ hoàn thành KH đấu giá đất của năm 2010.


Người trúng đấu giá đang lựa chọn thửa đất (ảnh có tính minh họa)

UBND TP Hà Nội đánh giá, nhiều quận, huyện đã tích cực tổ chức đấu giá đất. Đó là các quận, huyện như: Thanh Trì (thu 320 tỷ đồng, bằng 156% KH); Đông Anh (382,25 tỷ, đạt 144% KH), Sóc Sơn (266,5 tỷ đồng, bằng 172% KH); các quận Long Biên (thu 425,75 tỷ đồng, bằng 266% KH), quận Hà Đông (520 tỷ đồng, bằng 247%)... Trong khi đó, cũng có không ít quận, huyện lại chưa tổ chức được đấu giá đất là Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Gia Lâm, Từ Liêm, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hòa và Sở NN&PTNT.

Ghi nhận của Sở TN-MT cho thấy, hiện nay, việc triển khai đấu giá ở các quận, huyện trên bị chậm là do một số dự án đã được giao đất chưa đảm bảo tiến độ về GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong khi đó, thời gian lập hồ sơ cho các dự án còn kéo dài, nhất là các huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) do không có quy hoạch chi tiết.

Một số dự án khác lại trong tình trạng phải chờ thông tin quy hoạch, chỉ giới đường đỏ... “Đã vậy, việc bố trí vốn cho công tác GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại một số dự án chưa đảm bảo tiến độ (chẳng hạn ở Dự án 583 Nguyễn Văn Cừ, khu đất đấu giá xã Phù Linh). Thêm vào đó, việc thu tiền trúng đấu giá tại một số dự án chưa dứt điểm, còn kéo dài như khu Sài Đồng, khu đấu giá xã Trâu Quỳ...”, ông Vũ Văn Hậu - Giám đốc Sở TN-MT cho biết.

Thổi giá để trục lợi

Ở góc độ người triển khai dự án tại cơ sở, về các dự án bị chậm, một số quận, huyện cũng nêu ra nhiều bất cập, chủ yếu liên quan tới đấu giá đất xen kẹt. Chẳng hạn, việc xin chỉ giới đường đỏ thường phải làm nhiều thủ tục, rất tốn thời gian. Cùng với đó, các khu đất còn thiếu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đường giao thông, điện, nước, nhất là ao, hồ xen kẽ trong khu dân cư còn gặp phải tình trạng tranh chấp...

Đáng chú ý, có quận, huyện phản ánh, tại các phiên đấu giá, có tình trạng một số đối tượng tham gia đăng ký đấu giá với khối lượng thửa đất lớn, kèm với đó là bỏ thầu giá đất thật cao. Tuy nhiên, khi trúng đấu giá, các đối tượng này lại bỏ tiền cọc, không mua nữa. “Chiêu thức” này nhằm mục đích nâng giá đất trong khu vực đấu giá để trục lợi, gây “nhiễu” cho công tác quản lý và kế hoạch đấu giá đất của chính quyền.

Thực ra, tình trạng “thổi” giá đất thông qua các phiên đấu giá công khai đã có từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, gần đây, do thị trường bất động sản có biến động mạnh ở những khu vực giáp ranh quận, huyện, nên các đối tượng “làm giá” xuất hiện nhiều hơn, trắng trợn hơn. Để ngăn chặn tình trạng này, các quận, huyện đề nghị UBND TP cho phép rút ngắn thời gian nộp tiền trúng giá và nâng mức đặt “cọc” tham gia đấu giá đất.

Nhấn mạnh chủ trương coi đấu giá đất là một nguồn thu cho địa phương tái đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh cho rằng, đấu giá đất nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển nhà ở của người dân.

Do đó, các phiên đấu giá phải đảm bảo sự công bằng, song cũng cần tránh thất thu cho Nhà nước. Về các trường hợp trúng đấu giá nhưng lại “bỏ cọc chạy lấy người”, UBND TP yêu cầu, theo đúng quy định hiện hành, quá 30 ngày, nếu người trúng không nộp tiền, sẽ hủy kết quả đấu giá.

UBND TP cũng lưu ý, các hội đồng đấu giá khi lập phương án đấu giá phải quy định chặt chẽ các khoản phí, lệ phí tham gia đấu giá theo quy định. TP giao các cơ quan chức năng tổ chức tốt các phiên đấu giá, bảo đảm công khai, tạo thuận lợi cho người có nhu cầu tham gia, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Vũ Hồng Khanh cũng lưu ý, các quận, huyện không đấu giá đất bằng mọi giá. Đặc biệt, không phải hồ, ao nào cũng được phép lấp để đem đấu giá. Các sở chuyên ngành TN-MT, QH-KT phải phối hợp với các địa phương rà soát các ao, hồ, tổng hợp, kiến nghị phương án sử dụng báo cáo TP xem xét, quyết định.

DiaOcOnline.vn - Theo An ninh Thủ Đô