Sở KH&ĐT TP.HCM đã phát đi khoảng 2.100 thông báo yêu cầu các doanh nghiệp (DN) phải dời trụ sở đặt trong chung cư trên địa bàn TP.HCM.
Gây phiền phức cho cư dân
Theo “lệnh” trục xuất này, khi di dời, DN phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở, địa điểm kinh doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện các loại... sang địa chỉ khác không phải là căn hộ chung cư. Chỉ có các DN đóng tại phần diện tích kinh doanh của nhà chung cư theo bố trí của chủ đầu tư khi xây dựng chung cư thì vẫn được tồn tại.
Lệnh này cho các công ty được 15 ngày để di dời đi nơi khác. Quá thời hạn trên mà Sở KH&ĐT chưa nhận được đăng ký thay đổi trụ sở mới thì sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và UBND quận, huyện để xử lý.
Bà Bùi Thị Thía, đại diện ban quản lý chung cư 42 Nguyễn Huệ, quận 1, cho biết hai ba năm trước, nhiều người thuê căn hộ trong chung cư để kinh doanh. Hiện chỉ còn một số hộ dân còn ở tại căn hộ của họ, đa phần đều chuyển đi nơi khác và cho thuê lại căn hộ.
“Việc họ kinh doanh tại chung cư là đúng hay sai thì cơ quan chức năng xử lý chứ ban quản lý không có quyền gì bắt người ta không cho thuê hay ngưng kinh doanh cả. Chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở người kinh doanh phải giữ trật tự, an ninh, vệ sinh...” - bà Thía lý giải.
Một người dân tại chung cư 42 Nguyễn Huệ cho biết giá thuê mặt bằng ở đây không hề rẻ. Căn hộ có khi chỉ rộng 20 m2 nhưng giá thuê đến 8 triệu đồng/tháng.
“Người ta kinh doanh quán cà phê, mua sắm. Có những tối bọn trẻ đến tấp nập, đi ầm ầm ngang nhà tôi, lại còn bấm chuông, gõ cửa, cười khanh khách... rất phiền phức. Đáng lo hơn là chung cư này rất cũ, khi người ta thuê lại để mở quán cà phê thì đập hết tường, thêm cái này cái nọ. Điều này là rất nguy hiểm cho cả tòa nhà” - người này cho biết.
Chỉ có các DN đóng tại phần diện tích kinh doanh của nhà chung cư theo bố trí của chủ đầu tư khi xây dựng chung cư thì vẫn được tồn tại. (Ảnh chụp ngày 9-12 tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng) Ảnh: HTD
|
Hàng ngàn DN phớt lờ lệnh cấm
Sở KH&ĐT đang tiếp tục thông báo cho DN và phối hợp với Sở Xây dựng, các quận, huyện kiểm tra thực tế để yêu cầu DN thực hiện Nghị định 99/2015. Nghị định trên quy định rõ trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh này phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư. Sau ngày 10-6-2016, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư nữa.
Tuy nhiên, đến ngày 10-12 là tròn một năm Nghị định 99/2015 có hiệu lực. Theo thống kê tại TP.HCM vẫn còn khoảng 2.100 DN đăng ký trụ sở ở chung cư. Tân Phú là quận có gần 200 công ty đóng trụ sở trong chung cư, nhiều nhất nhì tại TP.HCM.
Cấm là hợp lý
Việc cấm kinh doanh ở căn hộ chung cư là hợp lý. Chung cư là nơi để ở chứ không phải để kinh doanh. Bởi khi kinh doanh sẽ có rất nhiều người ra vào và điều này sẽ ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật cũng như gây phiền phức cho người dân sống tại đây. Đó là chưa kể có DN lợi dụng căn hộ làm địa điểm sản xuất hàng may mặc, kho chứa các hàng hóa có nguy cơ dễ gây cháy nổ... Điều này sẽ tạo ra những nguy hiểm khôn lường.
Để dẹp những DN chây ì kinh doanh tại chung cư, cần áp dụng các biện pháp chế tài như cắt điện, nước…
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành