Tháng 6.2009, UBND TP.Hà Nội sẽ công bố thu hồi hàng loạt dự án "treo", quy hoạch "treo", trên địa bàn thành phố sau khi chúng được cấp một cách vội vàng trước thời điểm sáp nhập các địa phương lân cận để mở rộng mặt bằng thủ đô.
Đây là bước đầu tiên của chính quyền thành phố đối với nhiệm vụ thực hiện triển khai quy hoạch chung đối với TP.Hà Nội mở rộng.
Nhiều dự án sẽ phải thu hồi
Sau khi Hà Nội mở rộng vào thời điểm tháng 8.2008, các ngành chức năng đã tiến hành rà soát các dự án trên địa bàn TP. Kết quả đã xác định vào thời điểm đó, Hà Nội có 744 dự án, với diện tích chiếm đất hơn 75.100 ha. Trong đó có 389 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở... bao chiếm khoảng 39.100ha đất với số dân dự kiến sẽ là 2,4 triệu người.
Vào thời điểm trước khi Hà Nội mở rộng, các địa phương nằm trong diện sẽ sáp nhập về Hà Nội đã ồ ạt cấp đất cho hàng loạt dự án: Biệt thự nhà vườn, khu đô thị... mà không cần biết năng lực của nhà đầu tư cũng như quy hoạch phát triển tương lai của địa phương. Điển hình như ở 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, đã có hàng loạt dự án được cấp đất trong... một ngày, gây bức xúc dư luận địa phương.
Theo kết quả rà soát quy hoạch tại Hà Nội, Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc tỉnh Hòa Bình do Bộ Xây dựng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua kiểm tra 318 dự án, Bộ Xây dựng chỉ đề nghị được 58 đồ án, dự án đủ khả năng tiếp tục triển khai. 153 dự án phải điều chỉnh quy hoạch và 107 dự án phải dừng lại.
Được biết, sẽ có hàng loạt dự án bị đề nghị ngừng thực hiện do nằm trong hành lang thoát lũ, phân chậm lũ; khu vực cấm và hạn chế xây dựng theo quy định của pháp luật (như hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình kỹ thuật đầu mối, đê điều, di tích...); không bảo đảm môi trường; không nằm trong định hướng các quy hoạch chung đã được duyệt; đồ án quy hoạch chi tiết chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt... UBND TP.Hà Nội sẽ nghiên cứu, tùy theo mức độ đã đầu tư, đề xuất phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết bảo đảm quyền lợi, tránh thiệt thòi cho nhà đầu tư.
"Đau" cũng phải "cắt"
Nói về việc UBND TP.Hà Nội rà soát và chuẩn bị triển khai thu hồi hàng loạt "dự án treo", "quy hoạch treo" đã được cấp tràn lan trong thời điểm Hà Nội chuẩn bị mở rộng, hầu hết các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội đều phải thừa nhận: Đây là việc làm sẽ rất "khó khăn, phức tạp và nhạy cảm", nhưng vẫn phải thực hiện để các dự án được triển khai đúng tiến độ và phù hợp với quy hoạch chung của thủ đô.
Nói về những vấn đề nêu trên, ông Vũ Ngọc Kích - chuyên viên chính Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết: Đây là việc cần thiết phải làm, nhằm "nắn" lại các dự án cho phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thủ đô. Nếu không quản lý vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và quy hoạch, đối tượng hưởng lợi trong việc để "dự án treo", "quy hoạch treo" sẽ là các chủ dự án được cấp đất, giao đất.
Được biết, trên địa bàn thủ đô mở rộng hiện đang có hàng loạt dự án bao chiếm đất, ở đó chủ dự án mới chỉ cắm mỗi tấm bảng vẽ quy hoạch dự án mà chẳng đầu tư hay triển khai làm gì. Thực chất, đây chỉ là hành vi bao chiếm đất, còn các chủ dự án không đủ năng lực tài chính, họ chỉ "chạy" dự án rồi chờ thời cơ sang tay, hợp tác... còn Nhà nước chẳng thu được gì trong cách làm như vừa nêu.
Cũng theo ông Vũ Ngọc Kích, việc Nhà nước thu hồi lại hàng loạt "dự án treo" là việc làm đúng theo các quy định của Luật Đất đai cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Đây là việc làm cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước có đất để giao lại cho những DN thực sự có năng lực để đưa các dự án được thực hiện đúng quy hoạch và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.
Nguồn đất thu hồi sẽ được giao lại cho các trung tâm phát triển quỹ đất của TP.Hà Nội và các quận để các cơ quan này thay mặt chính quyền địa phương quản lý số diện tích đất bị thu hồi.
Đây cũng sẽ là cơ quan có trách nhiệm giới thiệu địa điểm cho các DN có năng lực tiếp tục vào thực hiện dự án theo đúng quy hoạch. Đối với những dự án bị thu hồi, các chủ dự án nếu đã có đầu tư dở dang sẽ được xem xét việc đầu tư thực tế và được đền bù theo quy định của pháp luật về đất đai.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động