Bất cập trong quản lý vốn góp của khách hàng khi mua nhà

Cập nhật 11/09/2013 16:01

Tình trạng các dự án đã huy động vốn góp của khách hàng bị chậm tiến độ hoặc dừng triển khai, thậm chí vẫn chỉ là bãi đất hoang đang rất phổ biến. Có những dự án đã huy động hàng trăm, hàng tỷ đồng của khách hàng. Đến thời điểm này, vấn đề bất cập trong việc quản lý vốn góp của khách hàng mới được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.


Thời gian qua, hàng loạt các dự án đã thu tiền góp vốn của khách hàng nhưng không có khả năng triển khai liên tiếp bị phanh phui. Những người góp vốn tại các dự án này như ngồi trên đống lửa. 

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đức Toàn - Giám đốc Sàn giao dịch BĐS EZ Thăng Long cho hay, nhiều nhà đầu tư muốn rút vốn nhưng không thể được, triển khai tiếp thì không có tiền, chậm tiến độ thì không xong với khách hàng, không triển khai thì bị sức ép từ nhà thầu, ngân hàng.

Cách đây vài năm, thị trường BĐS ở trong tình trạng tranh mua, tranh bán. Dự án đưa ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí khách hàng phải trả tiền chênh hàng trăm, hàng tỷ đồng mới được vào hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Theo Luật kinh doanh BĐS, dự án phải xong móng mới được huy động vốn. Tuy nhiên, nhiều dự án dù chưa được cấp phép xây dựng cũng vẫn huy động được vốn góp từ phía khách hàng. Kể cả những dự án đã xong móng thu tiền đúng luật thì cũng không ai đảm bảo chủ đầu tư sẽ sử dụng tiền đó để triển khai xây dựng dự án.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Ngân hàng cũng chia sẻ them,  ở Việt Nam chủ đầu tư có thể ra ngoài kêu gọi người dân góp tiền, tôi nghĩ điều này không đúng, không ai được phép huy động vốn như thế trừ ngân hàng thương mại, nhưng chúng ta lại quá dễ dãi trong vấn đề này.

Gần đây, tại một số dự án đang triển khai dở dang, đã xuất hiện sáng kiến người dân tham gia quản lý dòng tiền, tức là họ sẽ cùng với chủ đầu tư kiểm tra, quản lý xem nguồn tiền họ góp vào sẽ được dùng như thế nào, nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ mô hình này, một số DN lại cho rằng, chỉ những DN ở bước đường cùng mới đồng ý thực hiện mô hình này.

Thực tế, hợp đồng góp vốn, huy động vốn của người dân và chủ đầu tư mang tính chất dân sự. Nếu xảy ra tranh chấp cũng rất khó giải quyết, người dân khó đòi lại tiền. Hiện nay, nhiều ý kiến đề xuất, cần có sự tham gia của bên thứ 3 như là ngân hàng, các tổ chức tài chính để quản lý vốn góp của người dân. Ở các nước phát triển, việc này được thực hiện rất chặt chẽ.

Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, ở Mỹ, Ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền, rồi cho thêm người dân vay tiền, chứ chủ đầu tư không được đứng ra huy động tiền. Ở đây, ngân hàng sẽ rót tiền để chủ đầu tư hoàn thành dự án…

Việc chủ đầu tư sử dụng vốn góp của khách hàng không đúng mục đích đã gây mất niềm tin của người dân vào thị trường BĐS. Cho nên hiện nay, nếu không có chính sách quản lý dòng tiền hợp lý, việc thu hút tiền đầu tư vào BĐS sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn.

DiaOcOnline.vn - Theo VITV