Thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng làm cho lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu, nội thất... đến dịch vụ môi giới, kinh doanh BĐS bị ảnh hưởng. Hơn thế, hàng loạt ngành nghề tưởng không liên quan đến BĐS cũng đi xuống, khiến nhiều nghề ăn theo BĐS "méo mặt".
"Chết" vì ăn theo BĐS
Thanh Hoàng, nhân viên pháp lý của một ngân hàng cổ phần, cho biết, dạo này công việc của nhóm anh trở cực kỳ rảnh rỗi, không khéo bị mất việc như chơi. Lý do đơn giản: nhóm của anh chủ yếu làm thủ tục tín dụng cho vay BĐS, nhưng đến nay lĩnh vực này gần như đóng cửa, kho có thể cho vay thành ra ít việc.
Tất nhiên, ít việc "thuận tay" thì phải làm việc "trái tay". Giờ, nhóm của Hoàng lại phải quay ra làm việc kiểm soát các hồ sơ cho vay cũ, hỗ trợ thu nợ... Thậm chí, có người phải chuyển sang làm huy động vốn, tín dụng. Toàn việc không thạo, không đạt yêu cầu thì mất việc như chơi.
Nhưng theo Hoàng, chuyện của anh không "không buồn và cười" bằng những chuyện chính anh đã chứng kiến. Số là, trước đây, BĐS sôi động, tín dụng BĐS bình thường, không khó ở các văn phòng giao dịch đất đai quận huyện đông vui nhộn nhịp bởi người ra người vào làm thủ tục giao dịch bảo đảm để vay tiền, làm sổ đỏ để giao dịch... nay cũng trở nên vắng lặng.
Hoàng kể, thời điểm đó, nhiều dự án tại văn phòng đất đai quận huyện ở Hà Nội đã dành gần một nửa số cửa giao dịch để phục vụ giao dịch bảo đảm mà vẫn thiếu chỗ. Các cửa làm số đỏ cũng khá nhiều nhưng lúc nào cũng chật kín và chờ đợi. Vì thế, ngoài chuyện "dịch vụ", "cò", nơi đây còn xuất hiện một lực lượng chuyên lấy số, giành chỗ để bán lại cho người cần kiếm tiền.
Mồi lần như thế, họ bán lại số kiếm 50.000 đồng, gặp ai cần làm nhanh họ cho cả trăm ngàn không tiếc. Do đó, mỗi ngày, những người này cũng kiếm được kha khá. Giờ thì thời đó chấm hết vì giao dịch nhà đất "đóng băng".
Không những thế, Hoàng còn kể rằng, quanh văn phòng đất đai có đủ dịch vụ từ trông xe, photo cho đến chè nước... nơi nào cũng đông khách, "kiếm chác" được. Quán nước, cà phê gần các văn phòng nhà đất trước đông đúc dân kinh doanh, đầu tư ngồi bàn bạc, tá túc trong khi chờ thủ tục thì nay vắng hoe.
Trong khi đó, Giang Đạt, Phó giám đốc điều hành một công ty bảo vệ ở Hà Nội, than thở: "Nói thì không ai tin, nhưng bọn tôi cũng bị ảnh hưởng bởi BĐS khá mạnh". Không đầu tư hay buôn bán, nhưng công ty của Đạt lại có nhiều hợp đồng cung cấp bảo vệ cho các công trường xây dựng. Khi thị trường trầm lắng, nhiều công trình tạm dừng thì họ cũng không cần nhiều và cắt giảm bảo vệ.
Đạt cho hay, một công trường cỡ vừa khi hoạt động cũng cần đến vài chục bảo vệ, thậm chí, con số này lên tới cả trăm người ở những công trình lớn. Nay thi công tạm dừng, "đắp chiếu" nên chỉ cần mấy người giữ gìn máy móc và kho rỗng. Thành ra, quân số trước đây tuyển vào nhiều nay không có việc, nuôi không được, đuổi không xong.
"Thậm chí, có công ty đóng cửa công trường, chuyển kỹ sư, giám sát xuống làm bảo vệ thì bọn tôi còn ăn gì", Đạt nói.
BĐS là một loại kinh doanh cao cấp, nhưng khi "hết thời" thì ảnh hưởng đến cả nghề kinh doanh "thấp kém" hơn nhiều, kể cả nghề tưởng không liên quan gì là đồng nát.
Ông Phan Huỳnh Chi, chủ một vựa đồng nát lớn ở Trung Văn - Từ Liêm, cho biết, khác với các vựa đồng nát trong phố mạnh về hàng cũ, đồ phế thải từ tiêu dùng thì ở đây "dây" của ông mạnh về vật liệu thừa, thải ra từ các công trình xây dựng.
Tuy nhiên, từ ngày các công trình xây dựng im lìm, hàng của ông về cũng ít hẳn. Ông kể, mỗi công trường, chỉ cần gom tốt cũng có cả chục, trăm kilôgam thép thừa, thép hỏng mỗi ngày; chưa kể dây điện thừa, hay "ăn dày" với giấy bìa carton, nilon bọc thiết bị nội thấy... toàn loại hàng tốt, giá rẻ. Nay mọi chuyện đã khác, số lượng giảm hẳn, ông cũng khó làm ăn.
Ông Đạt còn thông tin, trong khu Trung Văn, nhiều người sống nhờ từ tiền cho công nhân thuê nhà, nấu cơm cho thợ, bán nước ở các công trường... dạo này làm cũng thưa thớt.
"Nói thì buồn cười nhưng mà dân đồng nát, nấu ăn thuê chúng tôi cũng chết vì BĐS, vì thắt chặt tiền tệ... chỉ mong tình cảnh này sớm qua để còn kiếm sống".
Thất thu, vỡ kế hoạch vì BĐS
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ tháng 4 đến nay số tiền thu từ sử dụng đất giảm mạnh do thị trường bất động sản bị đóng băng.
Các dịch vụ ăn theo bất động sản cũng èo uột (ảnh minh họa)
|
Trong báo cáo về tình hình thu chi ngân sách tháng 8, khoản thu tiền sử dụng đất cũng giảm, số thu đến hết tháng 8 ước đạt cao so với dự toán (94,3%). Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay số thu cũng giảm mạnh do hoạt động của thị trường bất động sản bị đóng băng. Cụ thể, thu tháng 4 đạt 3.000 tỷ đồng, tháng 5 đạt 2.800 tỷ đồng, tháng 6 và 7 đạt khoảng 2.300 tỷ đồng, tháng 8 ước đạt 2.500 tỷ đồng.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tăng thu từ BĐS. Song, dự báo mục tiêu này khó khả thi khi thị trường BĐS vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan.
Khoản thu ngân sách còn bị ảnh hưởng do các khoản thuế từ giao dịch BĐS bị sụt giảm. Hơn nữa, nguồn thu từ đấu giá, giao đất rất thấp so với các năm.
Ông Hoàng Minh - Giám đốc Công ty Đầu tư và dịch vụ nhà đất Minh Hoàng ở Hoàng Mai (Hà Nội), cho rằng, nếu như mọi năm, các dự án đấu giá đất ở Hà Nội mở ra là đông khách, là sôi động thì năm nay khá buồn lặng. Đến hết quý III, tình hình này vẫn chưa khả quan hơn.
Được biết, năm nay Hà Nội đặt kế hoạch thu khoảng 2.450 tỷ đồng đấu giá đất từ 62 dự án. Tiền này sẽ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách các cấp, tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện, xã; xây dựng hạ tầng khu đô thị, hạ tầng khu dân cư nông thôn.
Song, trên thực tế, nhiều địa phương đã vỡ kế hoạch đấu giá đất nên kế hoạch thu chi và đầu tư xây dựng khác cũng vướng theo. Chẳng hạn, tại TP. Vinh (Nghệ An), số người đăng ký tham gia đấu giá đất ở một số khu vực ngoại thành đầu năm khá đông, đặt giá cao, nhưng đến khi nộp tiền vào đúng thời điểm BĐS xuống giá khiến các nhà đầu tư chấp nhận bỏ cả tiền đặt cọc, "chạy làng".
Thành ra, đấu giá thì đã tiến hành, tiền đăng ký thì nhiều nhưng thu chẳng được nên dự định đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng ở xã đều ngưng trệ.
Trong khi đó, ở một địa phương khác tại miền Bắc có dự án xây dựng chợ với phương thức quy hoạch và bán lô đất làm phố thương mại bao quanh chợ để lấy tiền đầu tư. Đấu giá không thành, chợ không có tiền xây. Mọi việc cũng tạm ngưng.
Đã có thời BĐS sôi động, việc khai thác quỹ đất lấy tiền đầu tư hạ tầng là một phương thức thành công; rồi các dự án đổi đất lấy hạ tầng cũng rất sôi động và ai may mắn mới có được... nhưng đến nay khi BĐS ế ẩm thì các dự án đi theo các cơ chế này cũng tạm thời "treo" và chờ.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN