“Bão” nhà ở xã hội đổ vào Hà Nội

Cập nhật 23/08/2013 14:35

Nguy cơ một cơn “bão” nhà ở xã hội sắp đổ vào thị trường bất động sản Hà Nội.


Xem báo cáo của TP. Hà Nội gửi Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản mới thấy giật mình vì nguy cơ một cơn “bão” nhà ở xã hội sắp đổ vào thị trường bất động sản Hà Nội.

Số liệu hiện tại: Cung không đủ cầu

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở xã hội tại Hà Nội, hiện có 8 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp đã hoàn thành với 4.000 căn hộ, đang triển khai 5 dự án với khoảng 5.500 căn hộ. Bệnh cạnh đó, có 2 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành với 1.600 căn hộ, đang triển khai 4 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với trên 7.700 căn hộ.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên cơ sở báo cáo của 15 chủ đầu tư dự án trên địa bàn, số căn hộ tồn kho là 4.018 căn; nhà thấp tầng là 3.429 căn. Sở này nhận định, lượng tồn kho chủ yếu tại các dự án do các chủ đầu tư có năng lực về tài chính, kinh nghiệm trong kinh doanh bất động sản phát triển.

Căn cứ vào nhu cầu lên đến hơn 100.000 căn hộ do các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đóng trên địa bàn đăng ký từ đầu năm đến nay, so sánh với lượng căn hộ tồn kho đã được kiểm đếm và nguồn cung nhà ở xã hội dự kiến vào thị trường như thống kê ở trên, có thể thấy, nguồn cung vẫn còn thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu.

Số liệu tương lai: Bán chẳng ai mua

Tuy nhiên, nếu nhìn vào phong trào các doanh nghiệp ào ào xin triển khai hoặc chuyển đổi để làm nhà ở xã hội như hiện nay mới thấy nguy cơ về một cuộc khủng hoảng thừa là khó tránh khỏi.

Cụ thể, Sở Xây dựng Hà Nội đã thống kê được trên địa bàn hiện có 30 dự án làm nhà ở xã hội đã và đang triển khai. Trong đó có 14 dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp (tổng diện tích 12,9 héc-ta, tổng diện tích sàn xây dựng 1,24 triệu m2 với 15.412 căn hộ), bao gồm: 8 dự án sử dụng quỹ đất 20% có tổng diện tích 3,1 héc-ta với 6.434 căn hộ (dự án thực hiện theo Chương trình phát triển nhà ở của TP. Hà Nội); 6 dự án xây dựng trên diện tích không thuộc quỹ đất 20% với tổng diện tích 9,8 héc-ta, 8.978 căn hộ.

2 dự án xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua (sử dụng quỹ đất 20%) là Dự án CT19 Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên với quy mô 515 căn hộ và Dự án cho thuê mua tại ô CT21 Khu đô thị mới Việt Hưng, quy mô 300 căn hộ với diện tích đất xây dựng là 38.825 m2; 10 dự án xây dựng nhà ở ký túc xá cho sinh viên (bao gồm 2 khu ký túc xá tập trung và 8 khu ký túc xá trong khuôn viên các trường) đáp ứng cho khoảng 43.448 sinh viên; 4 dự án xây dựng nhà ở công nhân tại 3 khu công nghiệp (dự án thực hiện theo Chương trình phát triển nhà ở của TP. Hà Nội không thuộc quỹ đất 20%) có tổng diện tích đất xây dựng 142.690 m2, 11.958 phòng cho thuê đáp ứng 18.800 công nhân, 605 căn hộ đáp ứng chỗ ở cho 4.600 công nhân.

Bên cạnh đó, qua 4 đợt rà soát các dự án xin chuyển đổi mục đích từ nhà thương mại sang nhà xã hội và điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà thương mại, Tổ công tác Liên ngành đã xét duyệt được 26 dự án thuộc đối tượng điều chỉnh theo Thông tư số 02/2013/TT-BXD. Trong đó có 12 dự án xin chuyển đổi mục đích từ nhà thương mại sang nhà xã hội với tổng số căn hộ dự kiến chuyển đổi 4.347 căn hộ thành 5.051 căn hộ nhà ở xã hội; 14 dự án xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại với tổng số căn dự kiến điều chỉnh là từ 4.051 căn thành 5.976 căn nhà ở xã hội.

Tổng hợp các con số trên khi trở thành hiện thực trong vài ba năm tới thì sẽ có một sơn “bão” nhà ở xã hội đổ vào Hà Nội. Trong khi đó, cũng theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có 370 dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở vẫn còn hiệu lực pháp luật. Và theo đánh giá của các chuyên gia thì khả năng trong vòng 2 đến 3 năm tới, thị trường bất động sản sẽ có khả năng phục hồi. Với tính chất vừa làm vừa xem tình hình thị trường như hiện nay tại các dự án nhà ở xã hội thì cũng phải vài ba năm nữa, may ra mới có sản phẩm ra đến thị trường.

Vì vậy, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại khi cùng một thời điểm sẽ có quá nhiều sản phẩm bất động sản cùng đổ vào thị trường, chắc chắn thiệt hại sẽ lại rơi vào những người đã đăng ký mua nhà ở xã hội ngay từ thời điểm này, bởi khi nguồn cung dồi dào thì cạnh tranh về giá giữa nhà thương mại và nhà xã hội là điều khó tránh khỏi.

Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, các bên tham gia hoặc liên quan cần tránh để xảy ra tình trạng “no dồn, đói góp” như đã và đang xảy ra.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư chứng khoán