Bảo lãnh bằng thương hiệu

Cập nhật 03/08/2015 08:39

Thời gian qua giới đầu tư, người mua nhà rất quan tâm đến vấn đề bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh BĐS. Quy định mới ngày càng chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của các bên cũng như loại bỏ những chủ đầu tư yếu kém, làm cho thị trường ngày càng lành mạnh là điều tốt. Tuy nhiên, nếu khách hàng khôn ngoan biết chọn lựa những chủ dự án có uy tín để mua nhà thì vẫn tốt hơn.


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng theo Thông tư 28 của NHNN, muốn được NH phát hành chứng thư bảo lãnh có giá trị 100 tỷ đồng, chủ đầu tư phải có 100 tỷ đồng đặt vào NH để được phát hành chứng thư bảo lãnh (nếu không có 100 tỷ đồng tiền mặt, chủ đầu tư phải có tài sản có giá trị gấp khoảng 1,3 lần để làm tài sản bảo đảm thay thế).

Trong khi đó, việc bảo lãnh theo Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS 2014 chưa có quy định cụ thể, nếu căn cứ theo tinh thần Thông tư 28 rất khó cho doanh nghiệp. Bởi mỗi dự án mức đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng, doanh nghiệp không thể có số tiền lớn như vậy để đóng bảo lãnh.

Bà Vũ Thị Khuyên, Phó phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng TPHCM), cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn TP có 7.500 căn hộ hình thành trong tương lai được đăng ký bán với tổng giá trị khoảng 16.000 tỷ đồng. Nếu bảo lãnh 100% giá trị rất khó cho doanh nghiệp.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, băn khoăn ông có 1.000 căn hộ trong 1 dự án, nhưng chỉ bán 300 căn (hình thành trong tương lai), còn 700 căn đợi hoàn thiện mới bán. Như vậy 700 căn kia có phải bảo lãnh không? Trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng tiến độ, NH bảo lãnh sẽ phải trả lại tiền cho khách hàng, nhưng trả bao nhiêu, 1 lần hay nhiều lần, có cộng lãi suất không… Ngoài ra việc bảo lãnh cho những dự án được triển khai sau ngày 1-7-2015 hay bán sau 1-7-2015 liệu có việc doanh nghiệp ký lùi thời gian để tránh phải bảo lãnh?

Rõ ràng còn không ít băn khoăn xung quanh vấn đề bảo lãnh. Và thực tế vẫn còn rất nhiều va chạm giữa chủ đầu tư và người mua nhà, như bàn giao nhà chậm tiến độ, tiện ích dịch vụ không như cam kết, chất lượng xây dựng kém… Dù được NH thay mặt chủ đầu tư trả lại tiền khi dự án chậm bàn giao, người mua nhà cũng vẫn bị thiệt thòi. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, cách chắn ăn nhất vẫn phải lựa chọn những chủ đầu tư có uy tín để mua nhà.

Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Himlamland, cho rằng bên cạnh những quy định của pháp luật để bảo vệ người mua nhà, việc lựa chọn những sản phâm đã hoàn thiện cũng như lựa chọn chủ đầu tư thông qua những dự án họ đã hoàn thành trước đó để quyết định mua dự án trong tương lai là quyết định đúng đắn nhất. Không bảo lãnh nào bằng chính doanh nghiệp bảo lãnh bằng chính thương hiệu của mình với khách hàng.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư