Bảo hiểm nhà ở cho dự án BĐS: Lại thêm một giải pháp thiếu khả thi?

Cập nhật 09/09/2013 13:08

Giải pháp này đang được Bộ Xây dựng xây dựng, bắt buộc các dự án BĐS phải mua bảo hiểm nhà ở, góp phần tạo dựng niềm tin cho người mua nhà. Thế nhưng, theo nhận định của đa số DN và các chuyên gia kinh tế, thì dường như, đây đơn thuần chỉ là một ý tưởng đột xuất...

Biện pháp chữa cháy

Theo dự thảo quy định mới này của Bộ Xây dựng, tiền bảo hiểm sẽ được tính vào giá căn hộ. Trong trường hợp chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích, mất khả năng thanh khoản thì người mua nhà cũng không mất tiền do đã mua bảo hiểm.

Thế nhưng, bình về câu chuyện này, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Hiểu một cách cơ bản thì ý của Bộ Xây dựng là các DN đóng bảo hiểm, khi không có nhà giao cho người mua thì phải đền tiền. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là các hãng bảo hiểm liệu đã có thể tham gia loại hình bảo hiểm này không?

Đồng thời, Bộ Xây dựng chỉ đơn giản đưa ra ý tưởng về bảo hiểm, đáng lẽ phải tham khảo ý kiến của các DN bảo hiểm. Nhưng thực tế hiện nay, các DN bảo hiểm vẫn rất ngơ ngác. Cùng với đó, các DN kinh doanh BĐS đang trong tình trạng khát vốn trầm trọng nên cũng khó có điều kiện tham gia. Dường như đây chỉ là một ý tưởng mang tính đột xuất là chính.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực - Phó GĐ Công ty địa ốc Đất Lành cũng cho rằng: Việc mua bảo hiểm nhà ở đơn thuần là giải pháp mang tính chữa cháy, thường chỉ trong trường hợp chủ đầu tư lừa đảo không giao nhà cho khách hàng. Một giải pháp không hề khả thi bởi nhiều lý do. Thứ nhất, không có DN bảo hiểm nào dám đứng ra vì có thể 70 - 80% chủ đầu tư không giao nhà, giao nhà trễ hoặc chủ đầu tư phá sản…. Thêm nữa, phí bảo hiểm là bao nhiêu % cũng là vấn đề đầy nguy cơ. Thông thường, mức bảo hiểm phải từ 30 - 40%, và 30 - 40% này là do khách hàng phải chịu, sẽ đẩy giá lên quá cao.

Hóa giải nghịch lý

Cũng theo ông Đực, thị trường BĐS hiện vẫn rất trầm lắng. Trong thời gian tới nên để thị trường BĐS hoạt động theo hướng tự do hóa, không phân biệt nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại, có thể cho xây dựng nhà ở thương mại diện tích 30m2… Thêm vào đó, Bộ Xây dựng đã mở đường bằng cách hướng dẫn cứ 25m2 tương ứng với 1 người, 40-50m2 cho 2 người ở. Nhưng tại TP Hồ Chí Minh lại đang ngăn cản căn hộ nhỏ, không cho xây dựng vì lo ngại hình thành những khu dân cư ổ chuột.

"Để giảm tồn kho, chỉ có thể giảm đơn giá bán và giảm diện tích nhà. Tại sao người dân Đà Nẵng được vay vốn chiếm tới 30% trong khi tại TP Hồ Chí Minh chỉ có 10%. Nghịch lý ở chỗ, những sản phẩm phù hợp nhu cầu người dân hầu như khan hiếm và giao dịch hết trước đó. Tại TP Hồ Chí Minh, lượng nhà có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu/m2 còn lại không đáng kể, lượng tồn kho vẫn là sản phẩm có diện tích lớn. TP Hồ Chí Minh khó khăn về thủ tục cũng khiến người dân gặp khó” - ông Đực phân tích.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại đoàn kết