Bảo hiểm công trình xây dựng: Người dân vẫn thờ ơ

Cập nhật 16/10/2014 13:11

Có đến 90% công trình nhà ở riêng lẻ không mua bảo hiểm

Cho dù Luật Xây dựng đã quy định việc mua bảo hiểm cho công trình xây dựng là bắt buộc, nhưng với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ đã bị đa số chủ đầu tư bỏ qua vì sợ làm tăng chi phí.

Việc mua bảo hiểm công trình xây dựng là việc làm cần thiết, nhưng không phải chủ đầu tư nào cũng ý thức được việc này.

Sau hàng loạt sự cố liên quan đến việc xây dựng làm sụt lún, nứt, hư hỏng các hộ liền kề dẫn đến việc đền bù không thỏa đáng, công trình bị đình chỉ vô thời hạn... dường như các chủ đầu tư vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm cho công trình của mình.

Chủ đầu tư... lơ ngơ

Theo điểm i, khoản 2, Điều 75 Luật Xây dựng (2003) quy định: “Chủ đầu tư xây dựng công trình có nghĩa vụ mua bảo hiểm công trình xây dựng”. Như vậy, có thể hiểu, việc mua bảo hiểm cho công trình xây dựng là công tác bắt buộc. Nhưng thực tế thì không phải chủ đầu tư nào cũng ý thức sâu sắc được việc này.

Theo khảo sát của PV tại một số công trình trên địa bàn Hà Nội, khá nhiều chủ đầu tư vẫn hoang mang không biết bảo hiểm công trình xây dựng là gì. Anh Hoàng Trung ở P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy đang chuẩn bị khởi công ngôi nhà cho biết: “Tôi nộp hồ sơ xin GPXD lên quận và được cấp. Vấn đề bảo hiểm cho công trình cán bộ phòng quản lý đô thị quận cũng không yêu cầu, xuống phường cũng chẳng ai nhắc nhở gì cả. Nhiều bạn bè của tôi xây nhà rồi cũng nói rằng không có vấn đề gì xảy ra nếu thiếu bảo hiểm cho công trình cả”.

Ông Vũ Quang Vinh, Tổ trưởng tổ Thanh tra xây dựng P.Láng Hạ (Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay trên địa bàn phường nếu xảy ra sự cố giữa công trình xây dựng với các hộ liền kề, thường thường là tự thỏa thuận để sửa chữa, căng lắm mới phải ra tòa.

Anh Trần Vọng trú tại P.Cống Vị (Q.Ba Đình) cho biết: “Sang tháng là tôi động thổ xây nhà. Trước khi xây tôi cũng tham khảo nhiều bạn bè chuyên về tư vấn xây dựng, họ khuyên tôi mua bảo hiểm cho bản thân công trình và bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ 3. Để nếu xảy ra bất kì sự cố nào thì bên bảo hiểm sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cùng với tôi, tuy phát sinh chi phí nhưng đây là điều có lợi”.

Việc chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật xây dựng sẽ tăng thêm chi phí nhưng là chi phí cần thiết cho một xã hội tiến bộ, để những bất cập xảy ra không bị lúng túng trong hành xử thực tế.

Bắt buộc, không phải tự nguyện

Một chuyên gia về chất lượng công trình xây dựng khi trao đổi với PV cho biết đến 90% công trình nhà ở riêng lẻ là không mua bảo hiểm cho công trình xây dựng của mình. Mặc đù điều này là bắt buộc, đã quy định rõ tại Luật Xây dựng.

Ông Trần Đức Dũng - Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Hầu hết các chủ đầu tư khi xây nhà chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm công trình. Tôi kiến nghị cần phải bổ sung điều khoản mua bảo hiểm công trình xây dựng vào trong quy trình hồ sơ xin cấp GPXD đối với công trình nhà ở riêng lẻ. Đầy đủ mới được cấp phép.

Ông Dũng bày tỏ thêm về ý kiến bắt buộc mua bảo hiểm công trình, việc bắt buộc các chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình là hoàn toàn đúng, ở nước ngoài thì hầu hết các công trình đều bắt buộc phải mua. Điều này, cần cụ thể hóa bằng luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Vì hoạt động thi công xây dựng luôn thường trực tiềm ẩn các sự cố rủi ro liên quan tới tính mạng con người, rủi ro liên quan tới thiệt hại về tài sản của chủ đầu tư, rủi ro liên quan tới thiệt hại về tài sản của bên thứ ba…

Ông Trần Viết Ngôn - Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, những công trình đang trong quá trình xây dựng làm ảnh hưởng đến công trình lân cận bị buộc đình chỉ thi công để chủ đầu tư khắc phục triệt để hư hại. Hai bên tự thỏa thuận về việc khắc phục sự cố, hoặc bồi thường, cho đến khi nào phía bị thiệt hại chấm dứt khiếu kiện thì mới tiếp tục được thi công. Nếu chủ đầu tư đã mua bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ 3, thì lúc này đơn vị bảo hiểm sẽ đứng ra thương thuyết, đền bù đối với chủ công trình bị thiệt hại.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng: Bảo hiểm công trình cũng chia ra làm các loại như bảo hiểm xây dựng (do nhà thầu phải mua) và bảo hiểm lúc sử dụng (do người sử dụng phải mua). Trong khi đó, số tiền bỏ ra mua bảo hiểm công trình rất nhỏ so với những rủi ro có thể xảy ra. Nhất là xây dựng những công trình lớn với thời gian dài rất khó tránh khỏi sự cố. Do đó, tốt nhất là nên yêu cầu bắt buộc việc mua bảo hiểm công trình để tránh những rủi ro và thiệt hại lớn có thể xảy ra”.



DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng