Bao giờ Việt Nam mới có dữ liệu bất động sản chính xác?

Cập nhật 16/04/2014 08:38

Hết quý I/2014, mặc dù nhiều báo cáo nhận định của công ty nghiên cứu thị trường bất động sản đã “trình làng”nhưng dường như sự không đồng nhất trong các nghiên cứu này lại khiến các nhà đầu tư bất động sản và khách hàng phải đắn đo.

Bất động sản là kênh đầu tư luôn nhận được nhiều sự quan tâm, các công ty nghiên cứu thị trường trong lĩnh vực này cũng khá nhiều. Nhưng nổi nhất vẫn là hai công ty mác ngoại là CBRE và Savills. Thế nhưng chỉ riêng trong báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2014 mới đây, hai công ty này lại có những nhận định "đá" nhau, khiến người xem hoang mang không biết tin ai.

Theo đánh giá của CBRE tại phân khúc căn hộ để bán Hà Nội, diễn biến nổi bật trong quý I là việc giá chào bán thứ cấp trung bình tăng sau 11 quý liên tiếp giảm, và lần đầu tiên đạt mức tăng 1,1% trung bình cho toàn thị trường so với quý trước. Mức giá tăng chủ yếu xuất hiện tại các dự án có tiện ích đầy đủ và cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Trong khi đó, một vài dự án vẫn tiếp tục chứng kiến mức giá giảm dù với tốc độ chậm hơn so với quý trước.


Trái ngược với điều này, Savills lại cho rằng, tại thị trường thứ cấp, giá căn hộ thứ cấp tiếp tục giảm 2% theo quý. Mức giảm giá mạnh nhất diễn ra ở quận Long Biên ở mức -7%, theo sau là quân Hà Đông với -6%. Mức giá thứ cấp ở các quận Gia Lâm, Ba Đình, Từ Liêm và Thanh Xuân hầu như không đổi so với quý trước.

Đối với phân khúc biệt thự liền kề, hai công ty tư vấn cũng có những nhận định hoàn toàn trái ngược nhau.

Nếu CBRE cho rằng thị trường biệt thự, nhà liền kề trong khu đô thị trong quý vừa qua có nhiều dấu hiệu tích cực, tại một số dự án đã hoàn thiện hoặc gần hoàn thiện tại quận Từ Liêm và Hà Đông, giá chào bán tăng nhẹ khoảng 5-7% thì Savills lại cho rằng hoạt động thị trường vẫn trầm lắng trong quý này. Savills cho biết so với quý trước, giá chào bình quân của toàn thị trường giảm -3% cho hạng mục biệt thự và -2% đối với hạng mục nhà liền kề. Mức giảm giá rõ nhất đối với biệt thự là ở quận Tây Hồ, giảm -6% theo quý và quận Hai Bà Trưng, giảm -5% theo quý. Với hạng mục liền kề, Hà Đông và Hoài Đức có mức giảm cao nhất, -4% theo quý ở mỗi quận.

Đây không phải là lần đầu tiên hai công ty nghiên cứu này có nhận định ngược nhau. Không chỉ có sự bất đồng giữa các công ty nghiên cứu thị trường, mà số liệu bất động sản còn "loạn" từ nhiều nguồn khác nhau.

Đơn cử như số liệu về tồn kho bất động sản mới được công bố gần đây. Theo Báo cáo tình hình thị trường bất động sản quý I/2014 của Bộ Xây dựng, giá trị tồn kho bất động sản trên toàn quốc đã giảm từ mức 125.450 tỷ đồng (tháng 3/2013) xuống còn 92.690 tỷ đồng (đến ngày 15/2/2014). Tuy nhiên các doanh nghiệp địa ốc lại tỏ ra hoài nghi số liệu này và cho rằng, con số này chưa phản ánh đúng tổng giá trị tồn kho của bất động sản hiện nay.

Dữ liệu bất động sản chính xác hay không tác động rất nhiều đến quyết định đầu tư, mua bán và cả việc quản lý bất động sản của cơ quan nhà nước.

Việc xây dựng một hệ thống dữ liệu thông tin thị trường bất động sản đã là mục tiêu Bộ Xây dựng đề ra từ nhiều năm qua. Đây cũng là điều mà khách hàng và các nhà đầu tư đang mong ngóng. Thế nhưng việc xây dựng hệ thống này đang được chuẩn bị đến đâu và bao giờ mới có thì vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

DiaOcOnline.vn - Theo Bizlive