Bao giờ sàn trở thành “chợ đầu mối” mua bán nhà, đất?

Cập nhật 06/01/2011 07:40

Thông tin của sàn đưa ra cần chính xác, minh bạch hơn và phải được công bố rộng rãi tới người dân đồng thời cơ quan quản lý sẽ liên tục rà soát, kiểm tra hoạt động các sàn… để khách hàng yên tâm giao dịch đông hơn tại các sàn trong tương lai.

Đó là những ý kiến mà Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS Vũ Xuân Thiện trao đổi với phong viên.

* Thưa ông, sàn giao dịch BĐS ngày càng thành lập nhiều nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, phải chăng do quy định của việc lập sàn quá dễ?

Việc lập sàn giao dịch BĐS nhằm minh bạch hóa thị trường BĐS và để giao dịch đỡ bị rủi ro. Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều sàn được hình thành cả khu vực miền Bắc và miền Nam, không phải do quy định lập sàn quá dễ, có những sàn đã hoạt động rất tốt nhưng có một số sàn hoạt động yếu kém sau khi thành lập, thậm chí không hoạt động. Trong thời gian tới, sẽ kiểm tra rà soát lại các sàn này để việc hoạt động đi vào thực chất, có hiệu quả và nhất là minh bạch trên thị trường.


Để thu hút khách hàng tham gia giao dịch, các sàn BĐS cần cung cấp thông tin dự án chính xác và minh bạch.

* Khách hàng hiện nay còn “ngại” giao dịch qua sàn, tại Hà Nội mới đạt khoảng 30%, Tp Hồ Chí Minh hơn 50% và cả nước khoảng 40%. Vậy theo ông vì sao?

Theo tôi, trong 2 năm qua việc giao dịch qua sàn BĐS trên cả nước chiếm khoảng 40% cho thấy bước đầu có tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, một số đối tượng tham gia giao dịch BĐS vẫn theo trào lưu, mua bán theo hình thức đám đông. Mặt khác, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của sàn là cầu nối cho thị trường BĐS, một số khách hàng đầu tư theo cảm tính nên số lượng giao dịch qua sàn là chưa nhiều.

* Nhiều khách hàng bỏ tiền mua nhà qua sàn để mong được yên tâm nhưng vẫn “tiền mất, tật mang” khi mà dự án chưa được cấp phép xây dựng đã bán?

Nếu khách hàng mua bán ở những sàn lớn, có uy tín sẽ thấy có văn bản giấy tờ ghi chính xác tên sàn giao dịch được công ty nào đó ủy quyền bán sản phẩm, có dấu đàng hoàng thì không có chuyện bị lừa. Nhưng nếu giao dịch qua sàn mà chỉ nói bằng miệng, không có giấy tờ chứng minh được ủy quyền bán thì mới rủi ro. Có khi bản thân người làm môi giới ở sàn nào đó lợi dụng danh nghĩa sàn mời khách đến và tư vấn bằng miệng khi bán được dự án đó chỉ là cá nhân với nhau mà chủ sàn lại không hề biết thì khó mà kiểm soát hết yếu tố này.

* Có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý đang buông lỏng việc thanh - kiểm tra hoạt động các sàn nên mới có chuyện sàn vi phạm quy định kinh doanh có đúng không, thưa ông?

Trong 2 năm hoạt động của các sàn vừa qua, công tác kiểm tra đã được Thanh tra xây dựng tiến hành cả miền Bắc và miền Nam, đã có những đánh giá sàn tốt, sàn chưa tốt và cũng có những biện pháp xử lý đúng theo quy định pháp luật. Trong thời gian tới sẽ có thông báo kết luận chính thức.

* Khi phát hiện sàn giao dịch vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào?

Ai làm đúng, làm tốt sẽ được khen thưởng còn ai làm sai thì tất nhiên sẽ bị xử theo luật đã quy định. Nghị định 23/2009 của Chính phủ có hiệu lực từ 1.5.2009 quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh BĐS... đã nói rõ hành vi bán, cho thuê mua BĐS thuộc diện qua sàn mà không qua sàn, kinh doanh các BĐS không đủ điều kiện hoặc không được phép đưa vào kinh doanh... thì bị phạt 50-70 triệu đồng. Còn các hành vi vi phạm nghiêm trọng, số tiền thiệt hại lớn thì sẽ chuyển qua cơ quan công an.

Để người dân tin tưởng và tham gia giao dịch qua sàn đông hơn, theo ông cần có biện pháp gì? Sàn là nơi giao dịch, nơi người mua, người bán có điều kiện tiếp cận nhau tốt hơn để giao dịch có hiệu quả hơn trong kinh doanh BĐS. Sàn là cầu nối trong giao dịch BĐS. Để phát huy những điều đó, công tác tuyên truyền thông tin đại chúng là quan trọng cũng như chính các sàn cần có nhiều thông tin chính xác, minh bạch hơn thì mới thu hút được khách hàng.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS cũng sẽ từng bước rà soát, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm các sàn trong thời gian tới để sàn hoạt động tốt hơn và thu hút sự tham gia giao dịch của người dân nhiều hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động