Bao giờ người nghèo có nhà ở?

Cập nhật 20/02/2007 15:00

UBND TP.HCM ban hành chỉ thị số 07 về chủ trương xây nhà chung cư cho người thu nhập thấp từ tháng 4/2003. Những người nghèo ở TP.HCM xem dự án này là cơ hội để ổn định cuộc sống. Nhưng niềm mơ ước đó trở thành hiện thực như thế nào, thì vẫn còn nhiều băn khoăn.

Cơ hội nhà ở cho người nghèo

Theo tờ trình của Sở Xây dựng trình UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch xây nhà ở cho người thu nhập thấp, từ 2003 đến 2010, TP sẽ xây 70.000 căn hộ chung cư và 18.000 phòng ở cho người thu nhập thấp thuê và mua trả góp. Bình quân, mỗi năm TP phải xây dựng tối thiểu 8.600 căn. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ chương trình dự kiến 15.000 tỷ đồng.

Chương trình này sẽ giúp một lượng lớn người nghèo và 170.000 sinh viên, công nhân được mua nhà trả góp hoặc thuê chỗ ở. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Ngoài việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người nghèo, dự án sẽ làm bình ổn thị trường bất động sản và góp phần vào việc sắp xếp lại dân cư, lao động trên địa bàn TP”. Hiện tại đã có 100 dự án đăng ký, xây 35.000 căn hộ.

Đến bao giờ có nhà để ở?

Thế nhưng đến nay, trong số 100 dự án đã đăng ký, chỉ mới có 4 dự án xây nhà cho công nhân đang được thi công; 53 dự án có được chủ trương của UBND TP, nhưng cũng chỉ mới “đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư”. Con số nhỏ nhoi này thể hiện một tiến độ quá chậm chạp. Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, việc chậm trễ này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là không chủ động được nguồn quỹ đất. Trước tiên là việc trích thu 10% quỹ đất từ các dự án khác chưa thực hiện được, vì lý do tình hình giao đất, triển khai các dự án của TP luôn luôn chậm tiến độ.

Cụ thể, TP hiện có tất cả 1.102 dự án xây dựng các loại, nhưng chỉ mới 570 dự án có quyết định giao đất, hoặc cho thuê đất của TP và đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Số 532 dự án còn lại chưa có quyết định giao đất. Chính sự chậm trễ này khiến việc quy hoạch đất chương trình nhà cho người nghèo bị động theo.

Mặt khác về phía doanh nghiệp, khi đã nhận được phần đất, lại chậm triển khai; hoặc còn vướng nhiều khâu như thủ tục thực hiện, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp trở ngại… cũng là những cản trở. Về nguồn vốn, riêng khoản vay kích cầu, trong các văn bản quy định về quản lý vay vốn của TP.HCM, chưa có nội dung cho vay “xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp”. Đây là một trong những hạn chế lớn cho việc thực hiện chương trình.

Ai là “người nghèo, thu nhập thấp”?

Thêm một vấn đề khác không dễ hơn việc huy động quỹ đất và vốn đầu tư, đó là việc xác định tiêu chí, đối tượng được mua nhà. Ngoài hai đối tượng “thấy ngay” là công nhân và sinh viên, thì thành phần còn lại được xem là “hộ nghèo”, đến giờ phút này, UBND TP.HCM vẫn chưa có lời giải đáp. Lý do là TP chưa có một quy chuẩn nào để xem xét đánh giá, xếp loại hộ nghèo.

Nếu theo tiêu chí “xóa đói giảm nghèo” của TP thì hộ nghèo phải được ưu tiên nhất, nhưng lại không thể mua hay thuê được nhà. Bởi lẽ, theo tiêu chuẩn xóa đói giảm nghèo của TP, thu nhập của thành phần này từ 3 triệu đồng/năm trở xuống, trong khi đó giá bán của Nhà nước đã vài trăm triệu đồng/căn. Vì vậy, dù hình thức là mua trả góp, song không phải ai cũng có điều kiện để mua. Về giá thuê nhà cũng tương tự, cũng vài triệu đồng/căn/năm, bằng với mức thu nhập của hộ nghèo.

Dân cư TP.HCM đến thời điểm hiện tại dao động khoảng 7 - 8 triệu người, trong đó lượng dân nhập cư cũng xấp xỉ người sở tại. Lực lượng này đa số là dân lao động nghèo. Sau vấn đề túi tiền, một trở ngại thứ 2 là đến nay, TP vẫn chưa có cửa mở cho lực lượng dân nhập cư được mua nhà của Nhà nước. Từ trước đến nay, một trong những khốn khổ của các dự án khi triển khai là khâu giải tỏa mặt bằng. Nguyên nhân vì TP không sắp xếp được cho người dân tái định cư.

Theo thông lệ, đối tượng được sắp xếp tái định cư, trước tiên phải là có hộ khẩu TP, tiếp theo là có thủ tục nhà, đất hợp pháp, rồi mới đến thành phần không có hộ khẩu nhưng đã định cư lâu năm, nhà không có tranh chấp, đất không vướng quy hoạch… Những hộ mới, thậm chí có sổ tạm trú KT3, vẫn rất khó tìm được một cơ hội mua nhà.

Dĩ nhiên không thể bao nhiêu dân nhập cư từ cả nước đổ về đây, cứ buộc TP phải gánh gồng, nhưng trên thực tế việc xét chọn đối tượng theo tiêu chí như trên, TP.HCM sẽ không bao giờ giải quyết xong tình trạng hộ nghèo không có nhà ở. Tại một cuộc họp bàn về chương trình dự án này, ông Lê Thanh Hải giao cho Liên đoàn Lao động TP nghiên cứu tham mưu cho tiêu chí hộ nghèo để UBND TP xem xét quyền ưu tiên được mua nhà.

Cứ theo đó thì thấy rằng, việc mua được căn nhà của Nhà nước không phải không khó khăn. Từ trước đây, những người nghèo có nhu cầu nhà ở thực sự rất ít khi được may mắn mua theo giá gốc của dự án, mà hầu hết phải mua lại, trường hợp phải qua nhiều lần sang tay rất phổ biến. Nếu vậy có thể hy vọng chương trình này là một cơ hội mới về nhà ở cho người nghèo sẽ được mở ra?

Theo Đặng Vỹ - VietNamNet