Có một thực trạng tại các dự án hạ tầng cơ sở ở nước ta là cảng làm xong không có tàu đậu, chợ xây xong không ai họp, đô thị thì chắp vá nhà cao nhà thấp, dự án lớn thì rơi vào tay nhà tư vấn ngoại... Tất cả sự tréo ngoe đó có nguyên nhân từ việc các nhà tư vấn kỹ thuật Việt Nam còn yếu kém về năng lực, non nớt về kinh nghiệm và đặc biệt thiếu tính độc lập với chủ đầu tư, với nhà thầu.
Ngày 8/12/2007, Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (Vecas) đã tổ chức cuộc hội thảo nhằm mổ xẻ vấn đề nâng cao tính độc lập trong công tác tư vấn, giám sát của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này của nước ta.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, hiện nay tư vấn Việt Nam vẫn còn quá yếu kém về trình độ, ít ỏi về kinh nghiệm, đa phần đều chưa thể tham gia các dự án lớn có tầm cỡ quốc tế. Đơn cử, có dự án xây dựng cao ốc 28 - 30 tầng khi hỏi tư vấn Việt Nam có dám nhận không, nhưng cũng không ai dám đặt bút ký (!?).
Thiếu độc lập trong tư vấn dự án công
Những năm qua, lực lượng tư vấn kỹ thuật đã trở thành nhân tố không thể thiếu đối với hoạt động đầu tư xây dựng. Bên cạnh các doanh nghiệp tư vấn nhà nước lớn như TEDI, Hedanco... hiện đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân mọc lên như nấm với qui mô nhỏ lẻ (chiếm khoảng 80% với nhân sự khoảng trên dưới 20 người).
Các doanh nghiệp tư vấn của nước ta hoạt động tư vấn theo kiểu phụ họa chủ đầu tư, thiếu tính độc lập khiến nhiều công trình bị chậm tiến độ, trì trệ có hoàn thành thì chất lượng kém, đưa vào sử dụng chi phí bảo dưỡng còn tốn kém hơn cả chi phí đầu tư.
Sự thiếu độc lập, tự chủ đang diễn ra đối với mọi doanh nghiệp tư vấn từ doanh nghiệp tư nhân, liên doanh đến doanh nghiệp Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Vecas: "Sự phụ thuộc và thiếu tự chủ lớn nhất xảy ra đối với doanh nghiệp tư vấn làm cho các dự án công. Vì chi phí tư vấn thấp, lương kĩ sư bèo bọt, sợ mất quan hệ, mất mối làm ăn. Cho nên không thể phát huy tính sáng tạo, không thể đưa ra được những quan điểm khách quan, chính xác, khoa học có lợi cho dự án".
Do đơn vị tư vấn bị chi phối bởi các ông chủ đầu tư nên tại nhiều dự án đã xuất hiện hiện tượng móc ngoặc trong đấu thầu, chủ đầu tư lách luật dù Nhà nước đã có Luật Đấu thầu, có Nghị định hướng dẫn rất rõ ràng.
Tư vấn thiết kế thông đồng với chủ đầu tư, giữa thiết kế với thi công... để rút ruột công trình khiến hàng trăm công trình bị thất thoát tiền tỉ do sai thiết kế, ắch tắc giải phóng mặt bằng, định giá chi phí vật tư sai...
Về nguyên nhân dẫn đến việc tư vấn phải phụ họa cho các chủ đầu tư, Ông Nguyễn Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI cũng cho rằng, trở lực lớn xuất phát từ việc các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp.
Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực thực hiện các dự án lớn, xử lý được các vấn đề kỹ thuật phức tạp lại tập trung chủ yếu ở các đơn vị tư vấn được thành lập từ các đơn vị trực thuộc Bộ chuyên ngành.
Các doanh nghiệp tư vấn còn mất tính độc lập do trình độ chuyên môn, khả năng cập nhật của một bộ phận các cán bộ, chuyên viên cơ quan quản lí nhà nước còn nhiều hạn chế; sức ép về tiến độ dự án khiến doanh nghiệp tư vấn không có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng đưa ra các giải pháp so sánh, không đưa ra được các luận cứ khoa học rõ ràng, chính xác; hình thức lựa chọn tư vấn không rõ ràng, minh bạch chưa lấy tiêu chí về chất lượng kỹ thuật là yếu tố chính để đánh giá lựa chọn nhà thầu tư vấn; thiếu am hiểu qui định của Nhà nước và các thông lệ quốc tế; thiếu hụt lực lượng chuyên gia tư vấn trong nhiều lĩnh vực.
Đại diện một doanh nghiệp tư nhân tại Tp.HCM cho biết thêm, hiện nay chi phí tư vấn quá thấp khiến các doanh nghiệp tư vấn tư nhân đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp còn không đủ chi phí để trả công cho các kĩ sư, nhân viên của mình.
Qui định rõ quan hệ chủ đầu tư và doanh nghiệp tư vấn thiết kế
Để nâng cao tính độc lập cho các doanh nghiệp tư vấn, ông Liêm đưa ra quan điểm đối với ý kiến của vị đại diện trên: "Tại sao các doanh nghiệp lại cứ phải chạy theo các dự án công, phải chấp nhận cái chi phí quá thấp đó để tự làm khổ mình rồi gây chậm trễ, khó khăn cho các dự án.
Nếu thấp quá thì thôi không làm chứ không thể cứ xin xỏ, đối chiếu, luẩn quẩn ở mấy cái dự án nhỏ để rồi lại nảy sinh ra tình trạng "lại quả" 30 - 40% như hiện nay".
Đã có rất nhiều các ý kiến đóng góp nhằm đưa ra giải pháp mang lại tính tự chủ, độc lập cho doanh nghiệp. Nhưng tất cả đều tựu chung lại rằng, về phía chủ đầu tư cần cập nhật thông lệ quốc tế trong công tác lựa chọn tư vấn kỹ thuật dựa trên tiêu chí: giỏi chuyên môn, có uy tín, độc lập khách quan, kinh nghiệm... chứ không phải các tiêu chí giá thấp, dễ điều khiển như hiện nay.
Bên cạnh đó, về phía cơ quan có thẩm quyền cần có qui định trong điều luật là phải trả tiền đầy đủ cho các nhà tư vấn lập dự án tiền khả thi, khả thi khi họ chứng minh rằng dự án đó là không có hiệu quả, không nên làm, và phải trả họ gấp đôi, gấp 3 lần theo định mức thông thường.
Đồng thời điều luật cũng qui định trách nhiệm của các nhà tư vấn lập dự án khả thi nếu dự án sau này bị thất bại (bồi thường tiền hay bị qui trách nhiệm hình sự).
Ông Liêm khẳng định: "Nhiều chủ đầu tư công coi báo cáo tiền khả thi chỉ là phương tiện thuyết minh để thuyết minh cho ý đồ đã định sẵn của họ, vì vậy kỹ sư tư vấn chịu nhiều áp lực nhất khi lập các báo cáo này, dẫn đến thất thoát lãng phí cho Nhà nước. Nếu cơ quan quản lý nhà nước xử lý được các chủ đầu tư ra quyết định sai lầm và lên được danh sách đen các tư vấn lập ra báo cáo tiền khả thi tệ hại thì một mặt răn đe được các tư vấn chỉ giỏi phụ họa, mặt khác giúp tư vấn có thêm lí lẽ để giữ vững tính độc lập của mình với chủ đầu tư".
Hội thảo cho rằng cần cụ thể mối quan hệ giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn kỹ thuật để nhằm hạn chế quyền lực của nhà đầu tư nhất là trong lĩnh vực chuyên môn mà chủ đầu tư không am hiểu. Mối liên quan giữa chủ đầu tư và tư vấn cần phải được xác lập trong một điều luật nào đó để đảm bảo sự bình đẳng giữa hai bên.
Theo TBKTVN