Ông Nguyễn Quốc Tuấn. |
Hàng loạt chủ đầu tư tại Hà Nội đang mâu thuẫn căng thẳng với cư dân về phí dịch vụ chung cư, phí trông giữ ô tô, diện tích chung, riêng. Trao đổi với Tiền Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, sẽ điều chỉnh giá dịch vụ chung cư về sát với thị trường hơn.
Ông Tuấn cho biết:
Nhà chung cư cao tầng tại Hà Nội mới phát triển mạnh trong khoảng chục năm trở lại đây. Nhiều thời điểm nhà chung cư bị sốt nóng nên có tình trạng người mua nhà không quan tâm nhiều đến hợp đồng.
Chung cư hiện đại vận hành khác hẳn với kiểu chung cư cũ trước đây. Nhiều khu căn hộ đã theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao. Hoàn toàn không có chuyện hưởng dịch vụ cao mà lại chỉ trả tiền thấp.
* Thưa ông, tranh chấp xảy ra nhiều có phải do mức giá trần dịch vụ ban hành chưa phù hợp?
Tôi phải nói rõ là giá trần theo quy định của thành phố chỉ áp dụng thí điểm trong một năm thôi. Theo quy định của Bộ Xây dựng, Hà Nội phải ban hành giá trần.
Giá trần mới quy định các dịch vụ cơ bản đồng thời cũng để cho trường hợp giữa chủ đầu tư và đại diện Ban quản trị còn tranh luận chưa thống nhất được với nhau thì vẫn phải tạm thời lấy mức giá này để tiếp tục vận hành tòa nhà. Khi nào tranh chấp được giải quyết thì sẽ theo mức giá mới có thể cao hơn, có thể thấp hơn mức tạm thu.
* Ông có thể cho biết nguyên tắc xay dựng khung giá và cơ quan nào sẽ kiểm soát việc này?
Để ban hành ra khung giá thí điểm, nhiều cơ quan đã phải vào cuộc, khảo sát, lấy ý kiến của cả ngàn hộ dân, tham khảo kinh nghiệm nhiều địa phương, tính toán rất kỹ.
Theo quy định, nếu tầng hầm là tài sản của chủ đầu tư thì khi hạch toán phương án thu của dân hằng tháng thì chủ đầu tư phải lập dự toán trình cơ quan có thẩm quyền là Sở Tài chính xem xét phê duyệt mức giá.
Sau thời gian dài xảy ra tranh chấp, đến nay cư dân khu căn hộ Keangnam, Golden Westlake với chủ đầu tư vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Nhiều kiến nghị của cư dân về sổ đỏ tại khu The Manor vẫn chưa được giải quyết...
Phải kiểm soát như vậy để tránh tình trạng chủ đầu tư tính khấu hao trong thời hạn ngắn thì tiền thu chia hằng tháng cho đầu căn hộ sẽ vượt mức chi trả của người dân, dân không chịu được hoặc chủ đầu tư lại đưa vào các chi phí bất hợp lý.
Sở Tài chính có trách nhiệm đưa ra mức giá hợp lý nhất phù hợp với khả năng chi trả của người dân mà chủ đầu tư vẫn đảm bảo kinh doanh. Thu khấu hao tầng hầm chủ đầu tư không phải thoả thuận, giải trình với dân.
Nếu người dân thấy rằng mức thu do Sở Tài chính thẩm định không phù hợp, họ có quyền gặp Sở Tài chính để yêu cầu giải trình.
Người dân có quyền thoả thuận về phí dịch vụ nhà chung cư (điện thang máy, vệ sinh, bảo vệ...) thông qua Ban quản trị nhà chung cư. Khi có 51% thành viên Ban Quản trị biểu quyết thông qua thì mọi cư dân phải tuân thủ.
Ban Quản trị phải công khai, minh bạch mọi thu chi với người dân thông qua kiểm toán hằng năm. Tiền thuê kiểm toán do người dân trả.
* Tháng 10 tới, khi kết thúc thí điểm, Hà Nội sẽ ban hành giá mới theo hướng nào?
Trước thực tế mâu thuẫn, tranh chấp như hiện nay, đến tháng 10 tới chúng tôi sẽ tổng kết sau một năm thí điểm ban hành giá dịch vụ và sẽ có điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Tinh thần là giá trần phải sát với thị trường. Tôi cần nhấn mạnh, pháp luật quy định, tất cả các khu chung cư đều phải có chỗ để xe cho người dân nhưng không có nghĩa là người dân để xe mà không phải trả tiền! Vì nếu chỗ để xe do doanh nghiệp đầu tư, không tính chi phí đó vào giá bán căn hộ thì đó là tài sản của chủ đầu tư và người dân phải trả cả tiền thuê chỗ đỗ xe và phí trông xe.
Cảm ơn ông.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong