Một số địa phương đang phát triển các khu công nghiệp lên hướng thượng nguồn. Nếu các khu công ngiệp mới này không xử lý tốt nguồn nước thải, thì đây sẽ là mối đe dọa lớn với nguồn cấp nuớc sinh hoạt.
Từ hơn 10 năm nay, Tân Hóa - Lò Gốm đã là con kênh chết. Trong dòng nước bốc mùi hôi thối nồng nặc, thỉnh thoảng người ta lại thấy những công nhân ngành vệ sinh chèo xuồng đi vớt rác, một công việc gần như chỉ mang tính tượng trưng, vì chiếc vợt trong tay của họ không thể vớt được những hóa chất độc hại hòa trong nước.
Khu vực Chợ Lớn từ lâu đã là trung tâm tiểu, thủ công nghiệp lớn của TPHCM và nước thải đổ ra trực tiếp trừ các cơ sở sản xuất đã khiến những dòng kênh ở đây trở thành nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cùng với sự phát triển mạnh của công nghiệp, hình ảnh kênh Tân Hóa - Lò Gốm giờ đây đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lẫn đồng bằng sông Cửu Long.
Từ miền Đông
Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2006, tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đang lan rộng. Ngoài các con kênh ở TPHCM, nghiêm trọng nhất là sông Thị Vải, cả một đoạn dài 12 ki lô mét chảy qua khu vực khu công nghiệp Vedan đã trở thành dòng sông chết. Sông Sài Gòn cũng đang bị ô nhiễm đến mức báo động. Đây vốn là con sông có tốc độ dòng chảy thấp nên khả năng tự làm sạch kém, nhưng hàng ngày phải tiếp nhận lượng nước thải lớn từ những kênh rạch len lỏi trong các khu dân cư, khu công nghiệp ở Bình Dương và quận Thủ Đức. Gần 15 năm thực hiện chính sách trải thảm đỏ để mời gọi nhà đầu tư, tỉnh Bình Dương đã đưa hai huyện nông nghiệp Thuận An và Dĩ An thành một trung tâm công nghiệp lớn của khu vực, nhưng đồng thời nó cũng làm nước các con suối, kênh rạch bị đổi màu. Các rạch Chòm Sao, Suối Đờn, kênh Ba Bò... với dòng nước trong vắt, cá lội tung tăng ngày nào giờ đã trở nên đen kịt, xen lẫn những màu xanh, đỏ của hóa chất, bốc mùi hôi thối.
Lưu vực sông Đồng Nai, Sài Gòn có 56 khu công nghiệp họat động, nhưng theo điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ 21 khu có hệ thống xử lý nước thải. Lượng nước thải được xử lý trước khi đổ ra sông, rạch chỉ chưa đầy một phần năm và ngay cả nước đã được xử lý, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn cũng rất thấp. Nếu tính cả lượng nước của gần 9.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm rải rác, hàng ngày lượng nước thải công nghiệp đổ ra môi trường đến nửa triệu mét khối.
Hiện nay, khu vực hạ lưu các con sông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không còn nhiều đất dành cho công nghiệp. Vì vậy, một số địa phương đang phát triển các khu công nghiệp lên hướng thượng nguồn. Nếu các khu công nghiệp mới này không xử lý tốt nguồn nước thải, thì đây sẽ là mối đe dọa lớn với nguồn cấp nước sinh hoạt cho 16 triệu dân trong vùng. Theo số liệu quan trắc của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, chất lượng nước ở thượng nguồn sông Sài Gòn, gần nơi cung cấp nước thô cho Nhà máy Nước Tân Ba (Bình Dương) và và Nhà máy Nước sông Sài Gòn của TPHCM, ô nhiễm đã vượt quá tiêu chuẩn chất lượng nước mặt dùng làm nguồn cấp nước sinh hoạt.
Riêng vùng Hóa An, nguồn cấp nước sinh hoạt cho TPHCM và Đồng Nai, chất lượng nước từ năm 2001 đến nay khá ổn định, nhưng nguy cơ ô nhiễm rất lớn do hoạt động khai thác khoáng sản ở tỉnh Lâm Đồng, đầu nguồn sông La Ngà và sông Đồng Nai. Hiện ở khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, có khoảng 50 điểm khai thác vàng, quặng bô-xít, hàng ngày thải hàng trăm ngàn mét khối nước cùng với nhiều loại hóa chất vào con sông này, nhưng nhờ khả năng tự làm sạch cao do lưu lượng dòng chảy lớn, nên ô nhiễm chưa nhiều. Tuy nhiên, nếu sắp tới các dự án khai thác bô-xít lớn được triển khai ở đây, tình hình có thể sẽ khác.
(còn tiếp)
Tấn Đức - Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn