5 năm qua, công tác quy hoạch đã được thành phố chỉ đạo quyết liệt, tạo nên những chuyển biến rõ nét, thể hiện bằng khối lượng lớn các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được phê duyệt. Chất lượng quy hoạch được bảo đảm với tầm nhìn xa, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Khách tham quan triển lãm quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: THU HÀ
|
Trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội triển khai công tác quy hoạch theo định hướng của đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (phê duyệt năm 1998) áp dụng cho phạm vi địa giới hành chính cũ với diện tích 921 km2, số dân 2,5 triệu người. Tuy nhiên, các đồ án mới chỉ dừng lại ở quy hoạch sử dụng đất đai và quy hoạch giao thông tỷ lệ 1/5.000-1/2.000 và chưa có những quy định cụ thể về thiết kế đô thị. Hệ thống hạ tầng xã hội và các quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật cũng mới chỉ được nghiên cứu ở tỷ lệ 1/25.000-1/10.000.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội có diện tích 3.344,5 km2 với số dân gần 6,5 triệu người, đòi hỏi phải có một định hướng dài hạn để vươn mình trở thành Thủ đô lớn, tầm cỡ trong khu vực và thế giới. Nhất là sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đứng trước cơ hội và thách thức mới. Xác định công tác quy hoạch trong thời gian này phải được đặc biệt coi trọng, Thành ủy đã ban hành Chương trình 06 về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2011-2015” và chỉ đạo UBND thành phố, các cấp, ngành tập trung thực hiện. Nhờ vậy, công tác quy hoạch giai đoạn này đã được triển khai đồng bộ, tổng thể trên diện rộng và gắn với việc hoạch định các không gian phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là lần đầu một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch, được triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị; công tác lập quy hoạch thật sự mang tính dân chủ với sự tham gia sâu rộng của cộng đồng nhân dân.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Bùi Xuân Tùng cho biết: Trong 5 năm qua, mặc dù diện tích Thủ đô mở rộng gấp hơn ba lần, nhưng khối lượng đồ án quy hoạch được thực hiện vượt trội so với 13 năm trước đó. Quy hoạch đã phủ kín 100% diện tích của thành phố với khối lượng quy hoạch đã được phê duyệt và đủ điều kiện chuẩn bị phê duyệt đạt khoảng 83%, dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành phê duyệt hơn 95%. Trong đó, ba đồ án phân khu đô thị quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Quy hoạch Khu trung tâm hành chính chính trị Ba Đình; Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa. Thành phố đã phê duyệt 18 trong tổng số 31 đồ án quy hoạch chung, gồm: quy hoạch đô thị các đô thị vệ tinh, quy hoạch các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thạch Thất, Mê Linh…, các đồ án còn lại dự kiến sẽ được phê duyệt vào cuối năm nay.
100% số đồ án quy hoạch ngành cũng đã hoàn thành với phần lớn đồ án đã được phê duyệt như: Quy hoạch sử dụng đất các quận, huyện, thị xã đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất từ năm 2011 đến 2015. Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp; thương mại; nghề và làng nghề; mạng lưới bán buôn, bán lẻ; kinh doanh xăng dầu; điện lực… Đáng chú ý, trong giai đoạn này, công tác quy hoạch và xây dựng nông thôn mới được triển khai rất tích cực. Đến cuối năm 2012, thành phố đã hoàn thành phê duyệt 401 quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Cùng với việc khẩn trương xây dựng các quy hoạch, thành phố còn ban hành các Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ, khu phố cũ. Hiện, Quy chế quản lý tầng cao trong khu vực nội đô lịch sử đã hoàn chỉnh và chuẩn bị được ban hành. Đồng thời, thành phố tăng cường phân cấp quản lý quy hoạch đô thị, quản lý một số lĩnh vực kinh tế…
Nhờ thực hiện khẩn trương công tác quy hoạch, cho nên lĩnh vực đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố khá sôi động, nổi bật là lĩnh vực giao thông và phát triển nhà ở. Hàng loạt công trình cầu, đường, nhà ga, bến, bãi đỗ xe, nút giao thông được xây dựng trong mấy năm qua đã góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng một số khu đô thị hiện đại, cao cấp, Hà Nội còn đi đầu trong cả nước về xây dựng nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, góp phần nâng diện tích ở bình quân tại đô thị lên 23-24 m2/người (năm 2011 là 21,5 m2/người). Nhà ở cho công nhân, cho sinh viên và công tác cải tạo chung cư cũ được quan tâm. Nhiều dự án khu công viên lớn và công trình hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, bệnh viện được tích cực triển khai… Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị bảo đảm theo quy hoạch và quy định về trật tự xây dựng ngày càng được nâng cao. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép có xu hướng giảm; tích cực xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo và chống phát sinh mới. Hằng năm, tạo nguồn thu từ đất đạt khoảng 12 nghìn đến 15 nghìn tỷ đồng (chiếm 10% tổng thu ngân sách thành phố).
Có thể thấy, khối lượng công tác quy hoạch được thực hiện trong 5 năm qua là khá lớn, nhưng so với yêu cầu phát triển của Thủ đô thì vẫn còn những hạn chế, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của ngành trong giai đoạn tới để bảo đảm quy hoạch luôn đi trước một bước, thật sự trở thành công cụ thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực của xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa tin