Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Thế Ngọc, bảng giá đất năm 2009 của các địa phương đưa ra đầu năm nay đã được xây dựng cụ thể, sát với thực tế và dễ áp dụng hơn so với các năm trước, có sự gắn kết giữa thông tin về giá đất với vị trí đất trên bản đồ (bản đồ hiện trạng, bản đồ địa chính) và tính pháp lý về quyền sử dụng đất.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh quy định mức giá đất ở cao nhất là 81 triệu đồng/m2, tăng 13,5 triệu đồng/m2 so với năm 2008. Thành phố Hà Nội vẫn giữ ổn định mức giá đất ở cao nhất là 67 triệu đồng/m2, không tăng so với năm 2008.
Với đất ở tại nông thôn, bình quân mức giá đất ở thuộc các vị trí ven các trục đường giao thông chính, khu du lịch, thương mại, khu công nghiệp, cao nhất của 47 tỉnh là 3.334.220 đồng/ m2, bằng 35,57% so với mức giá tối đa của khung giá đất.
Thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Bình có mức giá đất ở tại nông thôn ở các vị trí cao nhất là 8 triệu đồng/ m2. Một số tỉnh có mức giá cao là Nghệ An, Hưng Yên, Ninh Bình, Gia Lai và Tiền Giang.
Việc quy định giá đất nông nghiệp được thực hiện theo 3 vùng đồng bằng, trung du, miền núi và theo vị trí đất trong từng xã, phường, thị trấn.
Các tỉnh có mức giá đất trồng cây hàng năm cao nhất đạt và gần đạt mức tối đa khung giá đất là Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Kiên Giang.
Các tỉnh có mức giá thấp là thành phố Đà Nẵng, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Quảng Trị.
Đối với đất trồng cây lâu năm, bình quân mức giá đất trồng cây lâu năm cao nhất quy định trong Bảng giá đất của 63 tỉnh là 84.830 đồng/m2, tăng 14,53% so với năm 2008 và bằng 53,69% so với mức giá tối đa của khung giá đất. Vùng Đông Nam Bộ có mức giá đất trồng cây lâu năm cao nhất.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+