Bảng giá đất một số tỉnh xung quanh Tp.HCM thay đổi như thế nào cho giai đoạn 5 năm tới?

Cập nhật 07/01/2020 10:20

Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM định hướng sẽ phát triển các đô thị vệ tinh quanh trung tâm thành phố như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.



Từ đó, chuyển dịch hướng phát triển ra vùng ven, giảm tải áp lực dân số tại trung tâm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế nơi đây. Chính quy hoạch này cũng là nguyên nhân đang làm giá đất các tỉnh giáp ranh với TPHCM tăng mạnh.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng TP.HCM bao gồm toàn bộ 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang với TP.HCM là hạt nhân.

Hiện tại, TP.HCM đang phối hợp với nhiều tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hoặc một chiến lược phát triển dài hơi cho vùng đô thị trung tâm, bao gồm TP.HCM và vùng phụ cận như huyện Đức Hòa, Cần Giuộc (Long An), Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương), thành phố Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, quy mô thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính của thành phố và đã có tính lan tỏa rộng ra, đặc biệt là tại các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh TPHCM.

"Một trong những lợi thế lớn của các tỉnh giáp ranh trong vùng đô thị mở rộng đều là vị trí cửa ngõ TP.HCM. Đây là những địa phương có hệ thống giao thông thuận tiện với các tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Trung Lương - TP.HCM; cao tốc Bến Lức - Long Thành nối với sân bay quốc tế Long Thành sắp hoàn thành, và cao tốc nối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ xây dựng trong tương lai…sẽ giúp thu hút lượng lớn vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS trong tương lai rất gần. Từ đó, giá nhà đất các vùng này đều tăng mạnh trong năm vừa qua, và dự báo sẽ còn gia tăng trong những năm tới", ông Phan Công Chánh, Chuyên gia BĐS cá nhân, cho biết thêm.

Đặc biệt, theo ông Chánh, căn cứ vào bảng giá đất giai đoạn 5 năm (2020-2024) vừa được các tỉnh trong vùng đô thị TPHCM mở rộng, cho thấy đều có mức tăng từ 20-35%. Điều này cho thấy, với mức độ đô thị hóa cao, cộng với tốc độ phát triển các khu đô thị vệ tinh đang diễn ra mạnh mẽ, chắc chắn giá nhà đất các tỉnh vùng ven TPHCM sẽ tiếp tục tăng cao.

Đồng Nai: Mức tăng cao nhất là 35%

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có Quyết định ban hành quy định về bảng giá đất tỉnh Đồng Nai 5 năm, giai đoạn 2020-2024.

Theo đó, bảng giá đất mới sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2020 thay thế cho bảng giá đất cũ. Trước đó, vào ngày 30/12/2019, HĐND tỉnh (khóa IX) đã tổ chức Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp bất thường) để xem xét và thông qua nghị quyết về bảng giá đất tỉnh Đồng Nai 5 năm, giai đoạn 2020-2024. Nhìn chung, giá đất giai đoạn 2020-2024 có biến động tăng rất cao so với bảng giá hiện hành, nhưng vẫn cách xa so với giá đất thị trường.

Về giá đất nông nghiệp, mức tăng cao nhất là các xã thuộc địa bàn huyện Trảng Bom (2,2-3 lần), huyện Thống Nhất (2,5-3 lần), huyện Xuân Lộc (3-4 lần), huyện Cẩm Mỹ (2,8-3,2 lần). Đất nông nghiệp TP.Biên Hòa có nhiều mức tăng khác nhau, các phường cũ có tỷ lệ tăng thấp nhất (từ 6 -29%), các phường mới thành lập có mức tăng cao nhất là 4,3 lần.

Nhóm đất phi nông nghiệp cũng được điều chỉnh tăng giá ở hầu hết các khu vực, vị trí, tuyến đường. Trong đó, đất ở tại đô thị được bổ sung thêm 14 tuyến đường mới, đưa tổng số tuyến đường đô thị quy định trong bảng giá đất là 510 tuyến đường và chia thành 715 đoạn. Ở nội dung này, giá đất tại các tuyến đường đều tăng, mức tăng phổ biến từ 1,5-3 lần so với giá hiện hành. Mức giá cao nhất là 40 triệu đồng/m2 tại đường 30-4 (TP.Biên Hòa) và thấp nhất 160 ngàn đồng/m2 thuộc thị trấn Định Quán (huyện Định Quán).

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giá đất sẽ được điều chỉnh tăng 10-50%

Sở Tài nguyên - Môi trường đã đề xuất phương án điều chỉnh tăng giá các loại đất định kỳ 5 năm (2020-2024). Cụ thể, có 3 nhóm đất chính cần điều chỉnh tăng giá từ 10-15% so với Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND gồm: Đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp và đất rừng.

Trong đó, đáng chú ý, đối với nhóm đất nông nghiệp khu vực đô thị và khu vực nông thôn được áp dụng khung giá đất tối đa theo quy định của Chính phủ.Theo đó, TP. Vũng Tàu sẽ áp dụng khung giá tối đa là 300.000 đồng/m2. Các địa phương còn lại được xác định theo tỷ lệ 0,9 khung giá tối đa (TP. Bà Rịa); 0,8 khung giá tối đa (TX. Phú Mỹ); 0,7 khung giá tối đa (huyện Côn Đảo)…

Còn đối với đất ở khu vực đô thị được điều chỉnh tăng từ 1-2 lần tùy từng khu vực. Riêng huyện Đất Đỏ và huyện Côn Đảo được điều chỉnh tăng 1,2-1,8 lần đối với đất ở khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

Bình Dương: Tăng bình quân 18%, cao nhất 37,8 triệu đồng/m2

UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định về Qui định Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024, được áp dụng từ ngày 1/1/2020. Đối với đất nông nghiệp, giá đất bằng khung giá tối đa do Chính phủ qui định tại Nghị định số 104/2014/NĐ-CP nhưng đảm bảo sự hài hòa giữa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Riêng giá đất rừng đặc dụng được bổ sung áp dụng bằng giá đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ với mức tối đa 450.000 đồng/m2.

Đối với đất phi nông nghiệp, thực hiện điều chỉnh bằng với giá đất tính theo Hệ số điều chỉnh giá đất (K) năm 2019 đang áp dụng, tương ứng mức tăng bình quân khoảng 18% so với bảng giá đất hiện hành.Cụ thể, TP Thủ Dầu Một có mức tăng bình quân 10%; thị xã Thuận An và Dĩ An tăng bình quân 5-30%; thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng và huyện Bắc Tân Uyên tăng bình quân 5-20%; huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng tăng bình quân 10%.

Bảng giá đất cơ sở tôn giáo và tín ngưỡng được áp dụng bằng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ. Còn bảng giá đất quốc phòng, an ninh được áp dụng bằng 65% giá đất ở. Đối với đất ở đô thị, các tuyến đường loại I, ở vị trí 1 của TP Thủ Dầu Một, bao gồm: Yersin, Bạch Đằng, Cách mạng tháng Tám, Đại lộ Bình Dương, Điểu Ong, Đinh Bộ Lĩnh, Đoàn Trần Nghiệp, Hùng Vương, Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Trần Hưng Đạo có giá đất cao nhất là 37,8 triệu đồng/m2. Các tuyến đường loại II ở vị trí 1 của thành phố Thủ Dầu Một có giá đất dao động từ 20-25 triệu đồng/m2.

Quyết định cũng thêm 27 đoạn, tuyến; nâng hệ số điều chỉnh (Đ) đối với 45 tuyến; giảm hệ số hai tuyến; nâng loại đường 5 tuyến; đính chính, đổi tên đường 21 tuyến và điều chỉnh điểm đầu, điểm cuối 5 tuyến. Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc xây dựng Bảng giá các loại đất tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2024 với mức tăng bình quân 18% nhằm từng bước tiệm cận hơn với giá đất phổ biến trên thị trường.

Giá đất cao nhất ở Bình Phước 42 triệu đồng/m²

Bình Phước thuộc vùng Đông Nam bộ. Do đó, đối với đất trồng cây hằng năm và đất trồng lúa ở các xã đồng bằng thì giá đất thấp nhất là 15.000 đồng/m2 và cao nhất là 250.000 đồng/m2; xã trung du có giá thấp nhất là 12.000 đồng/m2 và cao nhất là 110.000 đồng/m2; đối với xã miền núi có giá thấp nhất là 10.000 đồng/m2 và cao nhất là 160.000 đồng/m2. Đối với đất trồng cây lâu năm, xã đồng bằng có giá thấp nhất là 15.000 đồng/m2 và cao nhất là 300.000 đồng/m2; xã trung du có giá thấp nhất là 12.000 đồng/m2 và cao nhất là 180.000 đồng/m2; xã vùng cao có giá thấp nhất là 10.000 đồng/m2 và cao nhất là 230.000 đồng/m2.

Đối với đất thương mại và dịch vụ tại nông thôn ở các xã đồng bằng có giá thấp nhất là 48.000 đồng/m2 và cao nhất là 14.400.000 đồng/m2; xã trung du có giá thấp nhất là 40.000 đồng/m2 và cao nhất là 9.600.000 đồng/m2; xã miền núi có giá thấp nhất là 32.000 đồng/m2 và cao nhất là 7.200.000 đồng/m2. Đối với đất ở tại đô thị loại III có giá thấp nhất là 400.000 đồng/m2 và cao nhất là 35.000.000 đồng/m2; đối với đô thị loại IV, giá thấp nhất là 300.000 đồng/m2 và cao nhất là 22.000.000 đồng/m2.

Như vậy, với khung bảng giá đất nêu trên, thì đất đô thị loại III ở Bình Phước có giá thấp nhất là 440.000 đồng/m2 và cao nhất là 42.000.000 đồng/m2 nếu được UBND tỉnh điều chỉnh ở mức cao nhất (tăng 20%).

DiaOcOnline.vn – Theo NSKT