Chiều 28-12 và trước đó, ngày 27-12, UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM đã ký quyết định ban hành khung giá đất trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, mức giá đất ở nhiều nơi được điều chỉnh tăng khá cao.
Cụ thể, tại Hà Nội, mức giá cao nhất trên địa bàn TP được điều chỉnh từ 54 triệu đồng lên 67,5 triệu đồng/m2 thuộc về các tuyến phố Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang..., quận Hoàn Kiếm. Mức giá đất ở thấp nhất tại khu dân cư nông thôn được qui định 120.000 đồng/m2.
Trước đó, ngày 27-12, UBND TP.HCM cũng đã ban hành quyết định số 144 qui định bảng giá đất trên địa bàn TP cho 2.583 đoạn, tuyến đường, trong đó có 209 đoạn, tuyến mới được bổ sung. Các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi (Q.1) có mức giá cao nhất là 67,5 triệu đồng/m2. Các khung giá đất mới được áp dụng từ 1-1-2008.
Các khung giá đất này được các địa phương điều chỉnh hằng năm, tùy theo biến động của thị trường nhưng vẫn phải nằm trong khung cho phép của Chính phủ.
TP.HCM: khung giá đất tăng 10-57%
Theo khung giá đất mới của UBND TP.HCM, bảng giá đất mới qui định cho 2.583 đoạn, tuyến đường trên địa bàn TP, trong đó có 209 đoạn, tuyến mới được bổ sung (gọi chung là tuyến đường). Ngoài 209 tuyến đường mới được bổ sung, toàn bộ các tuyến đường cũ đều có giá đất tăng từ 10 đến gần 57% so với mức giá qui định của năm 2006.
Cụ thể các tuyến đường có giá cao nhất thuộc địa bàn Q.1, gồm: Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ cùng mức giá 67,5 triệu đồng/m2, tăng gần 57% so với mức giá năm 2006. Các tuyến đường còn lại của Q.1 tăng 50% so với mức giá qui định của năm 2006.
Đối với các tuyến đường thuộc quận 3, 5, 10 giá tăng 30% so với bảng giá cũ. Các đường thuộc quận 2, 4, 6, 7, 8, 9, 11, 12, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức tăng 20%. Các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ tăng 10% so với giá qui định của năm 2006.
So với phương án giá của UBND TP đề xuất với HĐND TP thì bảng giá mới này có 86 đoạn, tuyến tại quận 9, Bình Tân được nâng giá lên cho bằng với khung giá tối thiểu của Chính phủ qui định là 1,2 triệu đồng/m2. Trước đó có ba phương án giá được Sở Tài chính đề xuất, đó là: tăng giá đất sát với giá thị trường, chỉ điều chỉnh giá một số tuyến đường mới mở rộng và phương án giá đất sẽ tăng gần gấp đôi (tăng 188%) theo nghị định 123. Như vậy UBND TP đã chọn một phương án tăng giá khác, gần với phương án thứ ba (tăng gần gấp đôi) mà Sở Tài chính đề xuất.
Theo một cán bộ thuế, dù chưa phải là giá thị trường nhưng việc tăng giá đất như trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân khi thực hiện các nghĩa vụ thuế như: nộp tiền sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ. Riêng những người dân đã được cấp giấy chủ quyền nhưng còn nợ tiền sử dụng đất thì "đùng" một cái giá tăng từ 10-50% tùy theo khu vực.
Cán bộ thuế này nói rằng việc tăng giá đất cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chủ quyền trong thời gian tới. Trong khi đó theo các công ty kinh doanh địa ốc, gTiá đất tăng có khả năng tác động mạnh đến giá đất thị trường trong thời gian tới, nhất là những khu vực được điều chỉnh tăng giá khá cao so với hiện nay.
Hà Nội: tăng bình quân 20%
Theo khung giá đất mới, giá đất tại một số khu vực thuộc huyện Từ Liêm có sự điều chỉnh mạnh nhất trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, giá đất ở thị trấn loại I được điều chỉnh từ 11 triệu đồng/m2 lên 16 triệu đồng/m2 áp dụng cho các khu vực đã phát triển đô thị của huyện Từ Liêm. Giá đất ở tối đa tại khu vực nông thôn cũng được điều chỉnh từ 1,5 triệu lên 2,25 triệu đồng/m2 (tại huyện Từ Liêm). Mặt khác, một số tuyến đường đã phát triển hạ tầng thuộc địa bàn huyện Từ Liêm cũng được điều chỉnh tăng giá đất tối đa tại các khu vực đầu mối giao thông từ 4,5 triệu lên 11,25 triệu đồng/m2.
Phó chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển cho biết giá đất năm 2008 được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 20% so với giá đất năm 2007. Đồng thời bổ sung giá đất một số tuyến đường phố mới được TP cải tạo nâng cấp, xây mới, đường phố mới đặt tên còn thiếu trong khung giá.
Theo ông Hiển, việc điều chỉnh giá đất tăng lên sẽ có khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá đất tăng cũng sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất của người dân.
Trường hợp nào áp dụng giá đất theo khung?
Bảng giá đất này áp dụng cho bốn mục đích như sau: tính tiền thuê đất, thuế đối với việc sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất; thu lệ phí trước bạ; tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước.
Bảng giá này không áp dụng cho các trường hợp đền bù giải tỏa khi bị thu hồi đất.
Theo Tuổi Trẻ