Bàn về thời điểm xác lập quyền sở hữu

Cập nhật 31/03/2015 09:26

Việc xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao hay từ thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền vẫn là câu hỏi đặt ra xung quanh nội dung về chế định tài sản và quyền sở hữu trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điều 182, khoản 1 của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định, việc xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, nếu hợp đồng hoặc luật không có quy định khác. Trường hợp hợp đồng và luật cùng quy định nhưng khác nhau về thời điểm xác lập quyền sở hữu, vật quyền khác thì áp dụng theo quy định của luật. Thời điểm tài sản được chuyển giao được hiểu là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản.

Về nội dung này, hiện vẫn có 2 loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo bởi nó giúp phân định rõ ràng hơn thời điểm giao dịch được xác lập (có hiệu lực) với thời điểm quyền sở hữu hoặc vật quyền khác được xác lập. Lại có quan điểm đề nghị phải xây dựng một nguyên tắc thống nhất với Luật Đất đai 2013, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 và Luật Nhà ở 2014, trong đó, thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác đối với bất động sản được tính từ thời điểm tài sản được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và các bên đã hoàn tất thủ tục trước bạ sang tên.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với động sản, hay bất động sản hoặc quyền tài sản hay tài sản khác cần căn cứ vào sự chuyển giao sở hữu từ cá nhân sang cá nhân, tổ chức sang tổ chức. Việc xác định quyền sở hữu của người được chuyển giao rất quan trọng để ngăn chặn hành vi xâm phạm và xác lập chủ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Bởi nhiều tài sản không buộc phải đăng ký, có thể căn cứ vào tình hình chuyển giao như một dạng hợp đồng thực tiễn là chuyển giao vật quyền, chuyển giao tài sản, trên cơ sở đó sẽ phát sinh quyền của người được nhận tài sản. Hơn nữa, dự thảo cũng dự liệu trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản từ thời điểm đăng ký tại một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bằng quy định mở tại khoản 3, trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Tuy nhiên, Ts Vũ Thị Hồng Yến, Giảng viên ĐH Luật Hà Nội cho rằng, theo cách diễn đạt của Điều 182 dự thảo thì có tới 3 thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác, theo thứ tự là quy định cụ thể của luật, sự thỏa thuận trong hợp đồng, thời điểm chuyển giao tài sản. Việc thiết kế quy định này sẽ khiến không ít người băn khoăn: giữa quy định của luật với quy định của chính Điều 182 này về thời điểm xác lập quyền sở hữu, xác lập vật quyền và thời điểm chuyển giao tài sản là giống nhau hay khác nhau? Ts Vũ Thị Hồng Yến khuyến nghị thiết kế lại điều luật này theo hướng: việc xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Trường hợp luật có quy định về thời điểm khác để xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác thì các bên phải tuân theo quy định đó.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại biểu Nhân dân