Công ty cổ phần Đô thị và Phát triển Việt Hưng cho hay, các khoản thanh toán nhà đất dự kiến sẽ được điều chỉnh theo biến động của chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) do Tổng cục thống kê công bố.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Tiến Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng cho hay, công ty ông đang chuẩn bị đưa ra phương pháp điều chỉnh giá mua bán nhà theo chỉ số giá tiêu dùng của cả nước (CPI).
Theo đó, giá bán căn hộ là giá được xác định tại thời điểm đăng ký mua với bên bán. Giá thanh toán theo từng tiến độ sẽ được điều chỉnh theo biến động của của chỉ số CPI do Tổng cục thống kê công bố tại thời điểm thanh toán so với kỳ gốc quy định."Chúng tôi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Mua bán nhà là thỏa thuận dân sự, do đó cần phải được trao đổi thống nhất giữa bên bán và bên mua khi ký kết hợp đồng", ông Hùng chia sẻ
Ông Hùng khẳng định, việc điều chỉnh này sẽ được xem xét áp dụng cả khi chỉ số giá tiêu dùng biến động tăng hay giảm. Thêm vào đó, công ty sẽ đưa ra một "ngưỡng" chặn nhất định để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. "Hệ số điều chỉnh trong mọi trường hợp không được vượt quá mức tăng hoặc giảm nhất định. Ngưỡng này sẽ được hai bên thống nhất thỏa thuận", ông Hùng nói.
Mua bán nhà đất thuộc loại sản phẩm hình thành trong tương lai và mang tính chất rủi ro cao. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, dùng chỉ giá tiêu dùng làm đơn vị quy đổi thay đôla là một ý tưởng hay. Trong điều kiện giá cả tăng cao như hiện nay, cách làm này có thể tránh được sự mất giá của tiền đồng. Vì giá cả tăng hay giảm đều thể hiện trong chỉ số CPI theo đó, bất động sản cũng biến động theo tỷ lệ tương ứng.
Theo ông Võ, căn cứ vào vàng và đôla để làm đơn vị thanh toán hoặc tham chiếu giá bán bất động sản đều gặp nhiều vướng mắc. Bởi mới đây, một số doanh nghiệp đã bị Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi" vì vi phạm Pháp lệnh ngoại hối. Còn vàng lại bị ảnh hưởng nhiều bởi giá vàng của thế giới. Các sản phẩm có giá trị lớn như bất động sản nếu dùng tiền đồng để thanh toán thì chủ đầu tư sẽ bị thiệt thòi khi lạm phát tăng cao. Mỗi dự án kéo dài những 3-4 năm thậm chí dài hơn, nếu trượt giá 15-17% thì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng.
"Đây là một ý tưởng hay nhưng cách làm phải tính kỹ để phản ánh đúng được sự tăng giá của bất động sản", vị chuyên gia bất động sản nhận định.
Ông Võ phân tích, trong rổ hàng hóa để tính CPI có đến 11 mặt hàng. Nếu lấy bất động sản điều chỉnh theo cả 11 nhóm hàng thì không ổn vì ngoài nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, 10 nhóm còn lại không liên quan đến bất động sản. Do đó, theo ông Võ, chỉ nên lấy chỉ số giá của nhóm nhà ở để phản ánh bản chất của sự tăng giá địa ốc. Thêm vào đó, vị chuyên gia nhấn mạnh, lấy CPI của cả nước để tính điều chỉnh giá cho bất động sản của khu vực Hà Nội sẽ là không hợp lý bởi mỗi khu vực có tốc độ tăng trưởng khác nhau.
"Một số thành phố rất lớn như Hà Nội và TP HCM có độ nhạy về giá bất động sản rất mạnh. Do vậy, tôi cho rằng, cần cân nhắc kỹ khi lấy CPI của riêng Hà Nội hay cả nước", ông Võ nói.
Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty tư vấn Navigat, cho rằng, mua bán nhà đất thuộc loại sản phẩm hình thành trong tương lai và mang tính chất rủi ro cao. Để hạn chế tính rủi ro, các nhà đầu tư phải gắn kết với một chỉ số hay những thứ nhất định có thể lượng hóa được. Theo ông Quang, dù mua bán nhà đất được tham chiếu, điều chỉnh theo giá đôla, vàng hay CPI đều mang tính chất quy đổi ước tính. Do đó, điều quan trọng là được khách hàng chấp nhận. Bởi mua bán nhà là thỏa thuận dân sự, thuận mua vừa bán.
Cũng theo ông Quang, nên cân nhắc trước khi dùng chỉ số giá CPI làm đơn vị điều chỉnh việc mua bán nhà. Bởi thực tế, giá xây dựng chiếm khoảng 40% giá trị nhà đất. 60% còn lại gồm tiền marketing, giá đất và các loại chi phí mềm khác như lãi suất của chủ đầu tư. "Tôi cho rằng, chỉ nên điều chỉnh 40% giá trị địa ốc theo chỉ số CPI. Còn lại 60% được điều chỉnh theo khung giá đất hằng năm của Nhà nước", ông Quang chia sẻ.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress