Bán nhà cho Tây, đô la có dễ hốt?

Cập nhật 06/08/2015 09:24

Luật Nhà ở (sửa đổi) mở cửa cho người nước ngoài mua nhà được kỳ vọng sẽ là động lực mới giúp tăng sức nóng thị trường bất động sản. Hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi luật này chính thức có hiệu lực, liệu thị trường có diễn diễn biến như mong đợi?

Đón đầu chính sách, một tập đoàn lớn về nhà ở tại TP.HCM đã triển khai chương trình “100 căn hộ đầu tiên chào đón Kiều bào và người nước ngoài”, với nhiều ưu đãi như: Cam kết cho thuê tương đương 8%/năm và gói dịch vụ hỗ trợ quản lý trong giai đoạn hoàn thiện nội thất, cam kết hoàn tiền mua nhà cộng lãi suất phát sinh nếu trong vòng 1 tháng từ thời điểm giao nhà khách hàng chưa hài lòng về sản phẩm…


Các chủ đầu tư như Phú Mỹ Hưng, Novaland, Capitaland, Tấc Đất Tấc Vàng, Phát Đạt… đều trong tư thế sẵn sàng cho làn sóng người nước ngoài mua nhà hoặc chuyển đổi từ hình thức đang thuê căn hộ trở thành khách mua. Tuy nhiên, thống kê sơ bộ trên thị trường, lượng giao dịch liên quan đến người nước ngoài vẫn chiếm tỉ lệ thấp.

Một số dự án căn hộ cao cấp tại TP.HCM nhận được nhiều sự quan tâm của người nước ngoài có thể kể đến: Vinhomes Central Park (Q.Bình Thạnh), The Sun Avenue (Q.2), The Botanica (Q.Tân Bình), Scenic Valley (Q.7), Sunrise CityView (Q.7)… Phân khúc đất nền tại Bình Dương, dự án New Central Park cũng thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia Đài Loan, Hàn Quốc… đến tìm hiểu.

Trong số đó, dự án Vinhomes Central Park là dự án hiếm hoi công bố 112 căn hộ được đăng ký đặt mua trong ngày 1/7. Phú Mỹ Hưng là nơi tập trung khá đông người nước ngoài sinh sống nhưng không có sự đột biến về việc người nước ngoài mua nhà. Con số 100 căn hộ dành riêng cho người nước ngoài của Novaland cũng quá ít so với lượng tiêu thụ hàng ngàn căn mỗi năm của Tập đoàn này.

Ông Hoàng Anh Tuấn, TGĐ Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, cho biết, người nước ngoài khá thận trọng khi tìm hiểu dự án. Bên cạnh những yếu tố tiềm năng gia tăng giá trị thì họ đặc biệt chú ý về pháp lý. Thực tế tại dự án New Central Park, hơn 80% sản phẩm đất nền đã được bán cho khách Việt Nam, trong khi người nước ngoài họ vẫn đợi Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.

Nhìn tổng thể thị trường, ông Phan Công Chánh, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, cho rằng, thị trường sẽ khó có sự đột biến giao dịch do người nước ngoài hoặc Việt kiều. Theo ông Chánh, nếu cho Việt kiều đứng tên sở hữu bất động sản thì có thể dẫn đến xu hướng đổi tên sang chủ thật, vì lâu nay nhiều Việt kiều vẫn nhờ người thân đứng tên khi mua nhà đất.

Đối với người nước ngoài, ông Phan Công Chánh cho rằng, nếu chỉ làm việc ngắn hạn tại Việt Nam, việc mua tài sản sẽ không thuận tiện so với đi thuê. Việc mua nhà chỉ khả thi với 1 tỷ lệ nhỏ những người làm việc lâu dài hoặc kết hôn với người Việt Nam.

Ở góc độ đầu tư, Troy Griffiths, PGĐ điều hành Savills Việt Nam, cho rằng, Luật sửa đổi sẽ góp phần nâng sức cạnh tranh của thị trường bất động sản Việt Nam trong khu vực. Theo số liệu Savills khảo sát, về lợi tức cho thuê tại một số các thành phố trong khu vực và trên thế giới cho thấy Việt Nam là nơi mang lại lợi nhuận khá cao.

Từ quy định của Luật Nhà ở ra thực tế vẫn còn chờ hướng dẫn. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, phân tích, bán nhà cho người nước ngoài chẳng khác gì “xuất khẩu tại chỗ”. Điều này sẽ góp phần kích thích thị trường bất động sản phát triển. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm ban hàng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn để khơi thông nhu cầu.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet