Băn khoăn về chỉ số cấp phép xây dựng của Việt Nam

Cập nhật 17/03/2015 16:10

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung tỏ ra rất băn khoăn về chỉ số cấp phép xây dựng quá tốt mà Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng cho Việt Nam trong báo cáo Doing Business hàng năm.


Ông Cung của CIEM không đồng tình khi WB cho rằng thủ tục cấp phép xây dựng ở VN thuận lợi hơn cả khối OECD. Ảnh TL.

Ông Cung nói tại Hội thảo do CIEM tổ chức sáng nay 16-3: “Chỉ số này là rất tốt... Nếu nhìn thế này, thì nhiều người, đặc biệt là nhà hoạch định chính sách, nói, tốt quá rồi, cần cải cách làm gì nữa. Như vậy là không còn áp lực để thúc đẩy cải cách, và là điểm bất lợi với những người muốn cải cách”.

Chuyên gia của WB Joanna Nasr cho biết, trong báo cáo Doing Business, điểm số về cấp phép xây dựng của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á & Thái Bình Dương, và cả khối các nước có thu nhập cao OECD.

Về số lượng thủ tục, để xin cấp phép xây dựng 1 nhà kho ở Việt Nam chẳng hạn, một công ty xây dựng cần phải thực hiện 10 thủ tục trong khi số thủ tục ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương là 14,6; và ở khối OECD là 11,9.

Về thời gian, ở Việt Nam cần 114 ngày để tiến hành thủ tục xin cấp phép xây dựng, nhanh hơn rất nhiều so với thời gian trung bình ở khu vực Đông Á & Thái Bình Dương (134 ngày), và ở khối OECD (149,5 ngày).

Về chi phí, ở Việt Nam tốn khoản chi phí khoảng 0,7% giá trị nhà kho để tiến hành các thủ tục xin cấp phép xây dựng, chỉ bằng 1/3 lần so với mức chi phí trung bình trong khu vực Đông Á & Thái Bình Dương.

Bà Nasr nhận xét: “Việt Nam làm tương đối tốt về mọi mặt so với các quốc gia khác, kể cả những quốc gia như Đan Mạch”.

Tuy nhiên, ông Cung tỏ ra nghi ngờ về cách tính toán của WB.

Ông giải thích, xin giấy phép xây dựng mới chỉ là 1 trong 5 khâu để thực thiện một dự án như thủ tục đất đai, đầu tư, đánh giá tác động môi trường, xây dựng.

Mà ngay trong khâu thủ tục đất đai cũng đã có vô vàn rắc rối. Chẳng hạn, nếu là giao đất thì phải có các thủ tục như giải phóng mặt bằng, thanh toán tiền thuê đất,… “Khâu này ít nhất cũng phải mất đến gần 2 năm, theo  nghiên cứu của CIEM”, ông Cung nói.

Ông nhận xét thêm: “Có lẽ WB tính toán theo quy định của văn bản, chứ không phải trên thực tế vì thực tế là phức tạp hơn rất nhiều, đặc biệt là chi phí”.

Ông bổ sung thêm, những người trả lời khảo sát của WB có lẽ là những người thiên về luật, chứ không phải các doanh nghiệp là những người có kinh nghiệm thực tế.

Bà Nasr cho biết, WB gửi bảng câu hỏi cho các kiến trức sư, và công ty xây dựng khi họ làm nhà kho ở TP.HCM. Bên cạnh đó, WB cũng căn cứ vào các quy định xây dựng.

Tại hội thảo, có ý kiến cho biết, thủ tục cấp phép xây dựng ở Việt Nam phức tạp hơn rất nhiều so với nhận xét của WB.

Vị này nói: “Nhà tôi ở một khu quy hoạch treo. 30 năm trước, chúng tôi không xin được giấy phép xây dựng, và nay cũng thế. Vậy là nhà cửa của ai đó mà xây mới, thì bị chính quyền địa phương đập bỏ; người không xây thì nhà cửa cũ nát”.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG