Băn khoăn quỹ tiết kiệm nhà ở

Cập nhật 22/02/2012 10:20


Một khu chung cư tái định cư nằm dọc theo tỉnh lộ 25B, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng
Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu và triển khai như một kênh huy động vốn dài hạn cho việc phát triển nhà ở cũng như hỗ trợ vốn cho người dân có thể mua nhà để ở. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành cho rằng hiệu quả của quỹ sẽ chẳng tới đâu nếu như không có bộ máy điều hành tốt.

Khác với ý tưởng lần trước có tính bắt buộc là trích 1% lương của người lao động, đề án xây dựng lần này đưa ra hình thức tham gia quỹ mang tính tự nguyện, tính theo nhu cầu khoản vay dự kiến, và khuyến khích mọi đối tượng tham gia quỹ.

Dự kiến hai mô hình sẽ được triển khai, trong đó mô hình thứ nhất sẽ tập trung cho người có thu nhập thấp vay mua, mua trả góp nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân và đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Theo kế hoạch nguồn vốn để hình thành quỹ đến từ tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới; ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm; ngân sách trung ương cấp một lần ban đầu cho quỹ; một phần lợi nhuận từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc xổ số nhà ở; và nguồn vốn phát hành trái phiếu nhà ở.

Người tham gia quỹ sẽ được cho vay sau khi đã đóng tiền vào quỹ tối thiểu bằng khoảng 30% giá trị của nhà ở cần mua và đã tham gia đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm. Việc cho vay được thực hiện trên nguyên tắc, ai gửi tiết kiệm nhiều hoặc thời gian đóng dài hơn thì được ưu tiên vay trước, và người vay sẽ trả số tiền vay trong 15 năm.

Với mô hình thứ hai, quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ tập trung cho người có thu nhập trung bình vay để mua nhà ở thương mại. Quỹ này sẽ do một ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng chuyên về tiết kiệm nhà ở quản lý.

Khác với mô hình đầu tiên, nguồn vốn cho quỹ này họat động sẽ đến từ người có nhu cầu mua nhà ở tham gia đóng quỹ, không được huy động từ nguồn khác. Người tham gia sẽ được cho vay sau khi đã đóng vào quỹ khoảng 50% giá trị căn nhà mình muốn mua.

“So với lần trước, đề án lần này chi tiết hơn, khả thi hơn nhưng phải làm thật lực thì hy vọng ý tưởng này mới đi vào thực tế”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, nhận xét về đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở.

Ông Đực cho rằng việc cho người mua nhà vay 70% còn lại sau khi đã đóng 30% giá trị căn nhà là ý tưởng rất hay, giúp người tham gia có điều kiện mua được nhà với nguồn tiền eo hẹp. Tuy nhiên, việc khống chế người tham gia không được vay trong thời gian 5 năm đóng quỹ là điều cần xem xét lại.

Một người muốn mua căn hộ trị giá 600 triệu đồng, đã tích góp và vay mượn gia đình được 180 triệu đồng (30% giá trị căn hộ) thì tại sao người đó phải đợi tới 5 năm nữa mới có thể tiếp cận vốn từ quỹ để mua căn nhà đó?

Bình luận về quỹ này, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland, cho rằng mô hình này mang tính xã hội hơn là thương mại, và ở nhiều nước các quỹ họat động rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề quản lý, điều phối quỹ đến tay người vay, sử dụng quỹ này như thế nào, giám sát và minh bạch tới đâu là những vấn đề sẽ phải đối mặt khi quỹ hình thành.

“Đã là tự nguyện thì phải uy tín, vì người ta thấy lợi mới tham gia”, ông Hoàng nhận định, và thêm rằng điều quan trọng là quỹ sẽ được tổ chức thực hiện và triển khai ra sao.

Cùng quan điểm trên, ông Đực cho rằng ai sẽ là người cầm trịch để thúc đẩy chương trình này phát triển là điều nhiều người quan tâm, nhất là phải quyết liệt mới hy vọng thành công.

Ông này tỏ ra dè dặt bởi nhìn vào quỹ phát triển nhà của TPHCM được thành lập 9 năm qua với số vốn 300 tỉ đồng nhưng kết quả còn quá khiêm tốn. Ngoài ra, đi song song với quỹ là phát triển các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên,chương trình phát triển nhà xã hội cũng chưa tới đâu khi doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với chương trình kể từ khi khởi xướng từ năm 2005.

“Tính là một chuyện, xây cho ra một dự án căn hộ là điều không hề đơn giản”, ông Đực phát biểu.

Theo dự kiến hai mô hình quỹ tiết kiệm nhà sẽ được thí điểm tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM trong khoảng từ năm 2013 – 2015.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG