Di dời nhà ven và trên kênh rạch là một trong những chương trình lớn của TPHCM nhằm chỉnh trang đô thị, tạo lập chỗ ở mới tốt hơn cho người dân. Trong 5 năm tới TP đề ra mục tiêu di dời 20.000 nhà thuộc diện này nên cần nguồn ngân sách rất lớn. Vì vậy mới đây khi có doanh nghiệp đề xuất tham gia chương trình này cùng chính quyền, đã được lãnh đạo TP đánh giá cao. Tuy nhiên thực lực của doanh nghiệp này đang là dấu hỏi lớn.
Vốn góp gần 9.300 tỷ đồng?
Hiện khu vực kênh Đôi (quận 8) có 5.352 căn nhà lụp xụp với khoảng 32.000 nhân khẩu, trong đó phía bờ Nam kênh Đôi có 4.392 căn nhà với nền móng chống đỡ tạm bợ, chắp vá có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa. Trước thực trạng này, CTCP Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn (SGHI Corp) đã đề xuất UBND TP về việc triển khai dự án tái định cư các hộ sống trên và ven bờ Nam kênh Đôi theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), với tổng số vốn lên đến gần 9.300 tỷ đồng. Ngày 16-9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đã chủ trì cuộc họp cùng với các sở, ngành để nghe SGHI Corp thuyết trình về dự án khủng này.
Để chỉnh trang đô thị khu vực này, SGHI Corp đề xuất phương án tự sắp xếp vốn thực hiện toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các hộ có nhu cầu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tự lo nơi ở mới, sắp xếp nguồn vốn mua quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội có sẵn tại quận 8 cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án. Phương thức hoàn vốn được nhà đầu tư đưa ra bằng cách xác định giá trị quỹ đất của dự án sau khi di dời theo cơ chế giá thị trường. Trường hợp quỹ đất tại dự án sau di dời chưa đủ giá trị để hoàn vốn cho nhà đầu tư, TP sẽ giao một số khu đất khác để thanh toán cho nhà đầu tư hoặc bù một phần từ nguồn ngân sách TP. Nhà đầu tư dự kiến với phương án có khoảng lùi 20m từ mép kênh kết hợp đầu tư chỉnh trang đô thị, sẽ cần tổng vốn đầu tư 9.232 tỷ đồng; còn phương án có khoảng lùi 30m vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.367 tỷ đồng.
SGHI Corp cho biết ngoài các thành viên góp vốn trong công ty, nhà đầu tư này còn có liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài, gồm Công ty TNHH Dragon Capital Group thuộc Tập đoàn Dragon Capital của Hồng Công và Anh quốc; Công ty Capitaland Holdings (Việt Nam) thuộc Tập đoàn Capitaland có trụ sở tại Singapore.
Nhà trên, ven kênh rạch trên địa bàn quận 8.
|
Mục đích nhà đầu tư?
Theo tìm hiểu của ĐTTC, SGHI Corp được thành lập ngày 18-7-2016, trụ sở tại 271/7B phường 3, quận 5, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng do ông Phạm Văn Lai làm Giám đốc. Doanh nghiệp này đăng ký các ngành nghề kinh doanh BĐS, môi giới BĐS, xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình đường bộ, đường sắt… Các cổ đông sáng lập SGHI Copr gồm: Tổng CTCP Đền bù giải tỏa (25%), CTCP Five Brothers (10%), CTCP Đức Khải (40%), bà Huỳnh Hạnh Thu (10%), bà Lý Thị Anh Thư (15%).
Để tìm hiểu về phương án huy động vốn, thời gian triển khai dự án nếu được cơ quan chức năng thông qua, phương án tái định cư… chúng tôi đã liên hệ tới số điện thoại SGHI Corp đã đăng ký tại cơ quan chức năng. Khá bất ngờ, cô nhân viên trực tổng đài nhấc máy “Alo Công ty Đức Khải xin nghe”. Chúng tôi nói cần gặp anh Lai giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn, cô nhân viên trả lời không biết doanh nghiệp này và nói để hỏi lại. Không liên lạc được qua điện thoại, chúng tôi tìm đến địa chỉ công ty, nhưng nhân viên cho biết Giám đốc Lai đi công tác.
Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi đã bị bất ngờ khi được biết các cổ đông thành lập SGHI Corp hầu hết là người nhà của CTCP Đức Khải. Một doanh nghiệp đang xúc tiến một dự án khủng liên quan đến cuộc sống hàng ngàn người dân, tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 9.300 tỷ đồng, nhưng với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng và bộ máy hoạt động như vậy có điều gì đó chưa ổn. Trước đó, CTCP Đức Khải đã có nhiều đề xuất đình đám nhưng kết quả chẳng đâu vào đâu. Cụ thể, năm 2008 Đức Khải thành lập Tổng công ty (TCT) Đền bù giải tỏa. Thời điểm này công tác đền bù giải tỏa đang được Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài nguyên - Môi trường đẩy mạnh thực hiện. Vì thế 2 nội dung đề xuất về phương thức thí điểm đền bù giải tỏa của TCT Đền bù giải tỏa này đã được 2 bộ nhất trí thông qua. Thứ nhất, sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố, cơ quan có thẩm quyền giao đất cho TCT thực hiện đền bù giải tỏa, sau đó bàn giao đất sạch cho UBND cấp tỉnh để đấu giá quyền sử dụng đất. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thanh toán tiền vốn đầu tư và một phần lợi nhuận thu được từ đấu giá đất cho TCT. Thứ hai, giao đất cho TCT thực hiện bồi thường giải tỏa, sau đó TCT thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và có trách nhiệm nộp cho Nhà nước một tỷ lệ thích hợp phần lợi nhuận thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất... Nhưng gần 8 năm qua hoạt động của doanh nghiệp này khá mờ nhạt. Năm 2014, Đức Khải cũng đình đám với đề xuất nhập 100 tàu cũ, 2 trực thăng để hỗ trợ ngư dân bám biển, với tổng mức vay 1.350 tỷ đồng, lãi suất 1%/năm theo chính sách ưu đãi của Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Dự án này sau đó đã bị phá sản do các cơ quan chức năng từ chối cho vay.
Trở lại dự án di dời các hộ dân ven và trên kênh Đôi, theo các chuyên gia đây là dự án chỉnh trang đô thị lớn, nếu doanh nghiệp không đủ năng lực sẽ rất khó thực hiện. Bởi công việc này cần nguồn vốn rất lớn, triển khai cùng lúc nhiều việc như bồi thường, di dời, xây dựng dự án tái định cư… Dòng kênh Đôi khá gần với trung tâm TP, nếu giải tỏa xong (từ mép vào 30m) khu vực này sẽ trở nên đất vàng, vị trí vừa gần trung tâm, vừa có view sông, nếu diện tích đất sau khi giải tỏa “cấn trừ” không đủ, TP phải tìm khu đất khác cho chủ đầu tư… Phải chăng đây là điều SGHI Corp hướng đến?
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư