Bản đồ kèm theo Quyết định 367/QĐ-TTg ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng đến nay, các bộ - ngành và UBND TP HCM đều không tìm thấy
Trưa 2-5, Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì cuộc họp báo định kỳ để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tháng 4 trên địa bàn. Tại cuộc họp, các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2.
Truy bản đồ gốc
Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh việc bản đồ đi kèm Quyết định 367 về quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay ra sao, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết đến giờ vẫn tìm chưa ra.
Chín lô đất thuộc khu chức năng số 1 khu đô thị mới Thủ Thiêm chuẩn bị bán đấu giá có giá khởi điểm 27.000 tỉ đồng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
UBND TP HCM nói về hai ông Lê Tấn Hùng và Lê Trương Hải Hiếu
Theo Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan, những ồn ào vừa qua liên quan đến kết luận về Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi) đã có từ 5 năm trước, trong đó có rất nhiều việc phải chấn chỉnh và xử lý. "Vụ việc này là kết quả thanh tra của niên độ trước khi ông Lê Tấn Hùng về làm tổng giám đốc. Có những sự việc liên quan đến yếu tố lịch sử, nếu gom hết lại rồi nói về đồng chí của mình thì nhiều khi cũng kẹt" - ông Hoan nói. Ông Hoan cho rằng vừa qua, một số báo khai thác một khía cạnh nào đó rồi làm bùng lên tin liên quan đến người phụ trách trực tiếp Sargi hiện nay là ông Lê Tấn Hùng, điều đó chưa chính xác.
Liên quan đến vụ việc ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó Bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận 12, bị kỷ luật, theo ông Hoan, ông Hiếu đã hoàn thành việc kê khai bổ sung. Trước đó, Ban Thường vụ Quận ủy quận 12 đã quyết định kỷ luật ông Hiếu bằng hình thức khiển trách. Nguyên nhân bị kỷ luật là do ông Hiếu đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo tổ chức.
Rà soát các dự án ở Nhà Bè
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp về kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018 vào sáng 2-5. Ông Phong cho biết qua rà soát, huyện Nhà Bè có 85 dự án chậm tiến độ kéo dài. Trong đó, nhiều dự án vì nhiều lý do không thể triển khai, chưa kể có dự án sang hết người này qua người khác. Ông Phong đề nghị các đơn vị liên quan rà soát ngay tất cả dự án chậm tiến độ. Những dự án nào kéo dài, không thể triển khai sẽ có giải pháp xử lý phù hợp vì càng kéo dài thì người dân càng khổ. Lãnh đạo TP yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng rà soát lại, không thể để tình trạng nhà đầu tư đăng ký rồi để đó, thậm chí phân lô bán nền.
Không bảo tồn biệt thự gần 160 tuổi ở quận 1
Liên quan đến biệt thự gần 160 năm tuổi hiện là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông (59-61 Lý Tự Trọng, quận 1 - trước đây gọi là "Dinh Thượng thơ", được xây dựng vào những năm 1860) có thể bị đập bỏ để thực hiện dự án nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP HCM, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết TP đã xem xét rất kỹ việc này khi chọn phương án thiết kế.
"Công trình này không nằm trong danh mục di tích của ngành văn hóa - thể thao. Nếu có trong danh sách, dù chưa được cơ quan chức năng kiểm kê đi nữa thì vẫn được đối xử như với di tích. Còn ở đây, công trình này không hề có trong danh sách nên TP quyết định không bảo tồn" - ông Nhã nói.
Theo ông Nhã, về tình cảm với công trình kiến trúc cũ thì rất nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ khiến chúng ta phải nuối tiếc nhưng cũng phải tùy vào từng hoàn cảnh.
"Với những công trình cũ, hiện thế giới cũng có nhiều cách để gìn giữ như giữ nguyên hiện trạng, giữ lại một số nét đặc biệt hoặc giữ lại thông qua các mô hình… Những công trình nào được công nhận là di tích thì mới được giữ nguyên hiện trạng để thế hệ mai sau có cảm nhận về văn hóa, kiến trúc xưa" - ông Nhã lý giải.