Bán ‘đất vàng’ để tăng thu ngân sách?

Cập nhật 06/10/2013 08:30

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành thực hiện 5 giải pháp để tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn.

VAFI đề xuất TP Hà Nội và TP.HCM nên đi tiên phong trong việc bán những bất động sản có giá trị lớn nằm ở các vị trí trung tâm để lấy tiền... Ảnh minh họa

Báo TPO dẫn thông tin từ hiệp hội này cho rằng, ngân sách sẽ có trên 5 tỷ đô la nếu tập trung thực hiện bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước hay Cty đã cổ phần hóa thuộc diện doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả như Mobifone, Viettel, Bia Sài gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk.

Một đề xuất táo bạo được VAFI đưa ra là TP Hà Nội và TP.HCM nên đi tiên phong trong việc bán những bất động sản có giá trị lớn nằm ở các vị trí trung tâm để lấy tiền xây dựng các đường tàu điện nội đô, giải quyết nhanh tình trạng ách tắc giao thông hiện nay

Những bất động sản trên bao gồm các khu trung tâm thương mại, các khách sạn lớn đang được quản lý bởi doanh nghiệp nhà nước hay là phần vốn góp của thành phố trong các liên doanh nước ngoài, chẳng hạn như tổ hợp khách sạn văn phòng Daewoo, khách sạn Rex, khách sạn Caravelle, khách sạn Metropole Hà Nội. Nếu quyết liệt làm thì hai thành phố sẽ có nguồn vốn đủ để xây dựng trên 6 đường tàu điện nội đô.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, ngoài ra, để tăng thu ngân sách, nên sử dụng giải pháp kỹ thuật để thu cổ tức hàng năm từ những doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng những đặc quyền kinh doanh lớn. Tính riêng việc thu cổ tức từ những đơn vị chuyển đổi thuộc diện chưa có kế hoạch cổ phần hóa như VNPT, Petro Vietnam, SCIC, Viettel, EVN, Vinaphone, các công ty Xổ số kiến thiết… cũng nộp cho ngân sách nhà nước khoảng 2 tỷ đô la/năm.

VAFI cũng đề xuất đưa kinh doanh vàng miếng, vàng nhẫn vào đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng bia giải khát, ôtô, xe máy…. vì bản chất của vàng miếng, vàng nhẫn là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết.

“Để người dân yên tâm thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động mua vàng miếng, vàng nữ trang, (với thuế suất 20%) còn với hoạt động bán vàng cho Ngân hàng Nhà nước theo giá thế giới thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây cũng là giải pháp chấm dứt tình trạng vàng hóa, đô la hóa”, VAFI cho biết.

Hà Nội: Xin xây mới nhưng không trả "đất vàng" trụ sở cũ

Dù ùn tắc tại Hà Nội đã giảm từ 50 - 70% so với 5 năm trước nhưng áp lực lên giao thông vẫn vô cùng lớn, khi hàng loạt bệnh viện, trường học, trụ sở chậm di dời khỏi thành phố, nếu không muốn nói là chây ì.

Một số đơn vị, bệnh viện, trường học đã được đầu tư xây dựng bên ngoài khu trung tâm nhưng lại vẫn mở rộng các cơ sở bên trong nội thành.

Chủ trương khắc phục, giảm tải ùn tắc giao thông mặc dù đã được lên kế hoạch và rục rịch thực hiện từ rất lâu. Ngay cả Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã quyết tâm chỉ đạo Hà Nội phải triển khai các giải pháp mang tính đột phá trên tinh thần "giải quyết bằng được các điểm nghẽn, điểm ùn tắc về giao thông".

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo phải thực hiện bằng được việc di dời các trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính Nhà nước. Quỹ đất sau khi di dời phải dành cho công trình công cộng và giao thông tĩnh... nhưng cho tới nay hầu như không đạt được hiệu quả.

Thừa nhận thực tế này, ông Phan Đăng Long - Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: "Hầu hết các ngành tại Hà Nội sau khi đã di dời trụ sở đều không muốn bàn giao lại trụ sở cũ". Đó cũng chính là lý do, cho tới nay Hà Nội vẫn chưa thể giải quyết được vấn nạn ùn tắc, đông đúc, cảnh quan nhếch nhác trong khu vực nội đô.

Bộ Xây dựng bám trụ "đất vàng" tiết kiệm ngân sách

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị với Chính phủ không triển khai xây trụ sở mới của Bộ. Thay vào đó sẽ cho tiến hành cải tạo, sửa chữa lại trụ sở để tiếp tục sử dụng.

“Chúng tôi tính toán rồi, nếu xây mới cũng phải mất vài nghìn tỷ, trong khi trụ sở cũ chỉ cần bỏ ra khoảng 100 tỷ để cải tạo, sửa chữa lại thì vẫn dùng được trong một vài chục năm nữa”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Trước đó, vào tháng 10/2011, trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Bộ này được di dời và xây trụ sở mới của Bộ đến khu Tây Hồ Tây, với tổng diện tích dự kiến khoảng 2 - 3 ha.

Cùng với đó, để góp phần vào nguồn vốn xây dựng trụ sở mới, Bộ Xây dựng cũng đề xuất Chính phủ cho đấu giá quyền sử dụng khu đất và trụ sở làm việc hiện nay tại.

Đồng thời được chuyển đổi chức năng sử dụng đất ở 37 Lê Đại Hành, Hà Nội từ đất công sở thành đất xây dựng nhà ở thấp tầng, mật độ thấp.

Trụ sở làm việc của Bộ Xây dựng hiện nay nằm tại 37 Lê Đại Hành, Hà Nội, trên khu đất có diện tích 13.014m2, gồm ba khu nhà làm việc chính với tổng diện tích sử dụng 11.545 m2, diện tích sử dụng chính 6.952 m2 và một số công trình phụ trợ khác.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong