Đó là ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ về thực trạng phê duyệt, cấp phép cho các dự án bất động sản đô thị tại một số địa phương trước ngày Thủ đô mở rộng. Ông Võ đã có cuộc trao đổi với Tiền Phong xung quanh vấn đề này.
Bài I: Thu hồi đất không đúng luật
Nở rộ dự án nửa nạc nửa mỡ
* Ông có biết thực trạng giao đất cho các dự án tại Hà Tây, Hòa Bình trước ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính?
Khi tôi còn làm việc thì chuyện này chưa đến mức căng lắm vì hồi đó chưa có chủ trương mở rộng Thủ đô. Tôi rời cương vị tháng 3/2007 nhưng giúp thêm anh Mai Ái Trực (Bộ trưởng Tài Nguyên & Môi trường thời đó) đến tháng 9/2007.
Lúc ấy, chuyện điều chỉnh địa giới Thủ đô bắt đầu rộ lên và các dạng thức giao đất, thu hồi đất cho các dự án tại địa phương chuẩn bị sáp nhập về Hà Nội mới rầm rộ.
Chúng tôi nghe thông tin này từ phản ánh của dân cũng có và được xem cụ thể cũng có. Trước khi sáp nhập, đã xảy ra hiện tượng nhiều nơi làm tán loạn lên với đủ các kiểu thu hồi đất, giao đất cho xong việc để sau này có sáp nhập thì dự án cũng được giao đất rồi.
Đây là thực trạng rất không tốt, các địa phương vội vã quyết định thu hồi đất không đúng luật. Xem kỹ nội dung dự án thì đó không phải là những dự án thuộc diện nhà nước thu hồi đất mà thuộc diện các doanh nghiệp phải tự nhận chuyển nhượng, thuê hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thông qua thương thảo với dân.
Luật Đất đai 2003 đưa ra cơ chế mới, hạn chế việc nhà nước thu hồi đất và các dự án không thuộc diện được nhà nước thu hồi đất thì chủ đầu tư phải tự thương thảo với dân theo nguyên tắc thị trường.
Lúc này, thấy xuất hiện nhiều tên dự án nửa nạc nửa mỡ, như khu vui chơi giải trí và nhà ở. Khu vui chơi giải trí không thuộc dự án nhóm A không được nhà nước thu hồi đất. Là khu nhà ở thuộc diện mở rộng hay chỉnh trang khu dân cư được nhà nước thu hồi đất.
Địa phương duyệt các dự án nửa nạc nửa mỡ như vậy cũng là vì dễ biện bạch để áp dụng cơ chế được nhà nước thu hồi đất. Dân đâu hiểu rành rẽ luật khi phải đối mặt nội dung dự án như trận đồ bát quái nhập nhằng các yếu tố.
Trên thực tế chắc không có khu dân cư nào lại xen lẫn khu vui chơi giải trí. Xen kẽ thế thì làm sao mà sống được? Và quy hoạch cũng khó được phê duyệt với các không gian có chức năng khác nhau như vậy.
Tôi tin là cả việc thu hồi đất lẫn giao đất cho chủ đầu tư cũng khó có thể đúng luật. Tôi cũng được nhìn thấy vài quyết định thu hồi đất, giao đất như vậy cho vài dự án cạnh nhau, xen kẽ nhau.
Xem kỹ hơn, thấy chủ đầu tư thường là các Cty TNHH hoặc Cty cổ phần tên Cty cũng ít gặp, hầu như chưa có kinh nghiệm đầu tư bất động sản, năng lực triển khai dự án chắc cũng vậy.
Nhìn lại toàn bộ, có thể thấy, người ta tạo ra thực tế là đất đã có chủ dự án, mọi việc về đất đã an bài.
Đất thu hồi trở thành sân đá bóng ở Hà Tây. Ảnh: V. Hạnh
Nhiều dự án không cần thiết*
Theo ông, việc ồ ạt phê duyệt, cấp đất cho các chủ đầu tư như vậy có phải các cấp có thẩm quyền không biết hay vì họ dễ dãi trong thẩm định, xét duyệt?
Tôi xem một số dự án thì thấy đại đa số cũng qua hết các thủ tục nhưng có cảm giác hầu như chúng chưa được xem xét kỹ lưỡng.
Một trong những trọng tâm mà Thủ tướng và các cơ quan quản lý cấp bộ nói rất nhiều lần, nhấn rất mạnh rằng, các dự án đầu tư cần được xem xét kỹ mục tiêu, mức đầu tư trên mỗi mét vuông đất, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường; chủ đầu tư cũng phải được lựa chọn sao cho có năng lực và tiềm lực đầu tư thực sự, chấp hành tốt pháp luật về đất đai; làm tất cả để sử dụng đất có hiệu quả, không để tình trạng dự án nhận đất rồi nhưng lại bỏ hoang hoặc đầu tư chiếu lệ vài hạng mục.
Chính vì vậy mà pháp luật quy định các trình tự thủ tục xét duyệt rất kỹ, cẩn trọng. Xem kỹ có thể thấy nhiều dự án hoàn toàn không cần thiết và có biểu hiện của sự nhẹ dạ, dễ dãi khi xem xét dự án, lựa chọn chủ đầu tư.
*
Điều gì khiến các cấp có thẩm quyền trở nên nhẹ dạ và dễ dãi?
Nếu tìm nguyên nhân đích đáng chúng ta cần thêm tư liệu, thông tin thực. Nhưng nhìn chung, không thể không có cảm giác thời điểm mở rộng Hà Nội là nguyên nhân chính tạo ra quá nhiều dự án như trên.
Tại sao lại ồ ạt chấp thuận phê duyệt nhiều dự án vào thời điểm cận kề ngày Quốc hội quyết định mở rộng Hà Nội là câu hỏi cần trả lời rõ.
Về thống kê, cũng có thể tìm thấy mối liên quan giữa số lượng dự án và thời điểm quyết định mở rộng Hà Nội. Phân tích số liệu thống kê về số lượng dự án đầu tư và diện tích đất cho các dự án tại một địa bàn, có thể rút ra được các kết luận với độ tin cậy khá cao.
Mối liên hệ giữa thời điểm quyết định mở rộng địa giới Hà Nội và số lượng dự án được duyệt trên các địa bàn sẽ sáp nhập vào Hà Nội có thể tìm ra.
Cũng có thể suy luận lô-gích rằng, rất nhiều khả năng xảy ra việc cả địa phương lẫn các nhà đầu tư đều nhằm thời điểm giao mùa để phê duyệt dự án như một tồn tại mang tính lịch sử.
Ông Đặng Hùng Võ.
Giao đất ồ ạt lúc giao mùa là sai*
Vào những ngày chuẩn bị hợp nhất, các cấp thẩm quyền của UBND Tỉnh Hà Tây vẫn ký hàng loạt quyết định liên quan đến đất đai. Ông lý giải việc này như thế nào?
Nếu thực sự có tình trạng này trên thực tế, muốn bào chữa thế nào chăng nữa để xảy ra tình trạng đó là sai. Một trong những nguyên tắc giao đất cho dự án đầu tư là phải phù hợp quy hoạch.
Quy hoạch trước đây có thể đúng với từng địa phương nhưng không thể đúng với quy hoạch của Hà Nội mở rộng vì quy hoạch không khác đi thì mở rộng Hà Nội chẳng có ý nghĩa gì.
Về quản lý, các địa phương sáp nhập về Hà Nội chưa làm đúng trách nhiệm với chủ trương mở rộng Thủ đô. Chủ trương mở rộng Hà Nội đã có, mọi dự án đầu tư nên dừng lại để chờ quy hoạch Thủ đô mở rộng, trừ những dự án mà chắc chắn có vai trò đặc biệt không phụ thuộc quy hoạch mới (nếu có cũng nên xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ). Chờ quy hoạch mới của Thủ đô mở rộng mới quyết định dự án đầu tư là không thể khác.
Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh và bốn xã của Hòa Bình đứng riêng, quy hoạch chung sẽ khác, quy hoạch sử dụng đất cũng khác. Ngay cả khi các địa phương này là một phần của Hà Nội mở rộng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội sẽ phải khác và phân vùng sử dụng đất cũng khác.
Về quản lý, không thể luận giải lúc đó giao đất là đúng. Giao đất vào thời điểm đó là không phù hợp không gian Hà Nội mới với thế và lực mới.
*
Có những dự án được thẩm định, phê duyệt hoàn tất chỉ trong một ngày. Theo ông điều này do năng lực trình độ hay do yếu tố khác?
Tôi không nghĩ năng lực, trình độ cán bộ các địa phương quanh Hà Nội cũ kém. Tôi đã tiếp xúc và thấy trình độ quản lý, nhận thức pháp luật khá cao. Nếu có tình trạng mọi việc cho một dự án được giải quyết chỉ trong vòng có một ngày thì quả như biểu hiện của trạng thái sống gấp, sống chỉ cho hôm nay. Chắc chắn hiện tượng này có nguyên nhân liên quan ngày mở rộng địa giới Thủ đô. Một ngày tạo nên việc đã rồi để đẩy vào lịch sử.
*
Năm 2007 và những tháng đầu 2008, Hà Tây chuyển đổi hàng chục ngàn hécta đất hai vụ lúa thành đất đô thị, trong khi Hà Tây có trên ba phần tư dân số làm nông nghiệp. Ông nhìn nhận điều đó thế nào?
Đất nông nghiệp không chỉ quan trọng vì bảo đảm an ninh lương thực và đời sống nông dân, mà còn là tư liệu sản xuất chiến lược cần bảo vệ nghiêm ngặt. Với tầm nhìn xa hơn, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ làm nước ta mất tới một phần tư diện tích đất lúa hiện tại và, khi nhiên liệu, nguyên liệu hóa thạch cạn kiệt (dự báo khoảng 100 năm sau), đất nông nghiệp là nơi làm ra các loại nhiên liệu, nguyên liệu mới. Đất nông nghiệp như ở Hà Tây càng cần bảo vệ chặt chẽ hơn.
Đành rằng, đầu tư phát triển rất cần đất nhưng, với địa bàn Hà Nội mở rộng bao gồm cả Hà Tây, cần có nhiều phương án sử dụng đất hợp lý có ưu tiên bảo vệ vùng nông nghiệp. Phát triển công nghiệp gì, sử dụng đất như thế nào, quy mô ra sao tại Hà Tây cần tính toán cẩn trọng.
Các địa phương vội vã quyết định thu hồi đất không đúng luật. Xem kỹ nội dung dự án thì đó không phải là những dự án thuộc diện nhà nước thu hồi đất mà thuộc diện các doanh nghiệp phải tự nhận chuyển nhượng, thuê hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thông qua thương thảo với dân - Ông Đặng Hùng Võ.
Trong năm năm, Quốc hội chỉ duyệt cho cả nước được chuyển đổi khoảng 300.000 ha đất nông nghiệp sang sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp, tức mỗi năm cả nước chỉ được khoảng 60.000 ha. Riêng Hà Tây trong vòng hơn một năm mà chuyển cả hàng chục nghìn hécta là bất hợp lý. Cần kiểm tra lại so với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong